Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 nên các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh vẫn an toàn. Mặc dù vậy, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã khiến việc tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong KCN gặp không ít khó khăn. Nhiều doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong những tháng cuối năm.
Theo thống kê của Ban Quản lý các KCN tỉnh, hiện tổng số lao động đang làm việc tại 5 KCN trên địa bàn tỉnh là 90.856 người, giảm gần 8.846 lao động so với cùng kỳ năm 2020 (khoảng 10%).
So với thời kỳ cao điểm vào cuối năm 2019, số lao động trong các KCN đã giảm gần 20.000 người (khoảng 18%).
Nguyên nhân là do tác động của dịch COVID-19, đặc biệt là làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4-2021. Diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch ở các tỉnh, thành trong cả nước đã khiến nhiều lao động ngoại tỉnh, nhất là lao động ở những vùng có dịch không thể đến Thái Nguyên làm việc.
Trong khi đó, nhằm đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch, từ đầu tháng 5-2021, hầu hết các doanh nghiệp trong KCN đều không tuyển dụng thêm lao động mới là người ngoại tỉnh. Chưa kể, một số lao động dù đang làm việc ổn định trong các nhà máy, xí nghiệp nhưng vì lo dịch bệnh đã bỏ việc về quê. Điều này khiến các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn tỉnh hiện nay thiếu hụt khoảng 10.000 lao động.
Đại diện Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên, KCN Yên Bình (T.X Phổ Yên), cho biết: Những tháng cuối năm, đơn hàng của Công ty tăng mạnh, trong khi việc tuyển dụng lao động mới gặp khó khăn nên Công ty đã phải điều động hơn 2.000 công nhân từ các nhà máy ở Bắc Ninh đến làm việc tại Thái Nguyên. Toàn bộ số công nhân này đều được xét nghiệm COVID-19 và thực hiện cách ly theo đúng quy định, được bố trí ăn, ở, làm việc trong nhà máy theo phương châm “3 tại chỗ”.
Tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại Công ty CP Lisu Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên, KCN Điềm Thụy (Phú Bình).
Không chỉ Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên, nhiều doanh nghiệp khác trong các KCN cũng đang rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động. Bà Dương Thị Hảo, Trưởng Phòng Nhân sự, Nhà máy gạch ốp lát Việt - Ý, KCN Sông Công 1 (T.P Sông Công), chia sẻ: Nhà máy đang thiếu khoảng 30 lao động để mở rộng quy mô sản xuất trong những tháng cuối năm. Chúng tôi đã đăng tải thông tin tuyển dụng rộng rãi bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng đến thời điểm này, sau gần 2 tháng tuyển dụng cũng chỉ nhận được 2 hồ sơ xin ứng tuyển.
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, thời gian qua, các doanh nghiệp trong KCN đã phải vận động, khuyến khích người lao động làm việc tăng ca, tăng kíp nhằm duy trì hoạt động sản xuất ổn định. Cùng với đó là đẩy mạnh thực hiện các chính sách chăm lo đời sống, an sinh xã hội để giữ chân người lao động.
Những ngày gần đây, khi tình hình dịch COVID-19 tại nhiều tỉnh, thành đã cơ bản được kiểm soát, việc đi lại giữa các địa phương từng bước được nới lỏng, các doanh nghiệp trong KCN đang tích cực tuyển dụng thêm lao động, kể cả lao động ngoại tỉnh nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trong nhiều tháng qua.
Những tấm biển thông báo tuyển dụng lao động với chính sách đãi ngộ hấp dẫn được treo khắp nơi trong các KCN.
Ông Lê Quốc Việt, Giám đốc Công ty CP Lisu Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên, đơn vị chuyên nhận hợp đồng tư vấn, giới thiệu người lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn tỉnh cho biết: Hiện, thị trường lao động tại các KCN đang có dấu hiệu khởi sắc, đặc biệt là sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định thực hiện biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 từ ngày 19-10. Tính riêng 3 ngày gần đây, chúng tôi đã nhận được trên 100 hồ sơ của người lao động xin vào làm việc trong các KCN, chủ yếu là lao động ngoại tỉnh đến từ những vùng không có dịch. Theo dự báo, trong những ngày sắp tới, số lượng lao động đến tìm kiếm cơ hội việc làm tại các KCN sẽ tiếp tục tăng mạnh. Tình trạng thiếu hụt lao động của các doanh nghiệp có thể sẽ được giải quyết trong tháng 11.
Mới đây, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu tất cả doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng lao động phải chấp hành nghiêm những quy định về phòng, chống dịch. Trước khi vào làm việc tại KCN, người lao động đều phải được xét nghiệm COVID-19 và thực hiện các biện pháp cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, hằng tuần, doanh nghiệp phải duy trì việc lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho từ 5-10% tổng số lao động…
Về vấn đề này, ông Trần Quốc Trung, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Tình trạng thiếu hụt lao động tại các KCN của tỉnh chưa đến mức báo động, nhưng nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Hiện nay, cùng với tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động, chúng tôi tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch, không để dịch thâm nhập, lây lan trong KCN.