Giai đoạn 2014-2018, xóm Tổ, xã Phượng Tiến (Định Hóa) được lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình Saemaul UnDong (làng mới) của Hàn Quốc. Kế thừa những kết quả để lại từ mô hình này, năm 2018, xóm tiếp tục được lựa chọn xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, tuy nhiên quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn và đến nay, đã chậm “về đích” theo kế hoạch.
Xóm Tổ hiện có 124 hộ, 548 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Tày. Đây vốn là một trong những xóm nghèo của xã Phượng Tiến bởi 70% diện tích đồi núi, đường giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí hạn chế, đời sống bà con phụ thuộc chính vào trồng lúa, hoa màu và chăn nuôi nhỏ.
Trong 5 năm (2014-2018), được sự giúp đỡ của Quỹ toàn cầu Saemaul Hàn Quốc thông qua mô hình Làng Saemaul, xóm Tổ được hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa khang trang với đầy đủ phòng họp, thư viện, khu thể thao. Toàn bộ tuyến đường giao thông trục chính của xóm dài gần 2km được đổ bê tông. Đặc biệt, nhằm tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, mô hình còn hỗ trợ bà con phát triển kinh tế bằng cách: Trồng cây ăn quả, chăn nuôi thỏ, thành lập HTX sản xuất miến dong…
Với các điều kiện thuận lợi như vậy, năm 2018, sau khi mô hình Làng Saemaul kết thúc, xóm Tổ được lựa chọn xây dựng NTM kiểu mẫu. Theo kế hoạch, xóm phấn đấu về đích vào năm 2020. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mục tiêu này có thể vẫn chưa thực hiện được dù đã lỡ hẹn gần 1 năm.
Qua rà soát, đến nay, xóm Tổ đã cơ bản đạt được 6/9 tiêu chí đó là: Giao thông; điện; nhà ở, văn hóa, giáo dục, y tế; hệ thống chính trị và an ninh trật tự xã hội; chấp hành pháp luật, thực hiện quy ước, hương ước. Còn 3 tiêu chí chưa đạt được gồm: Hộ nghèo, môi trường, sản xuất kinh doanh.
Về hộ nghèo, hiện xóm vẫn còn 8 hộ (trong đó 4 hộ thuộc diện bảo trợ xã hội) và 24 hộ cận nghèo. Về tiêu chí môi trường, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch còn thấp, có tổ vệ sinh môi trường song chưa duy trì hoạt động, ý thức phân loại rác tại hộ gia đình chưa cao, xóm chưa có hệ thống mương thoát nước thải…
Đối với tiêu chí về sản xuất, kinh doanh, hiện nay xóm có HTX Saemaul, sản xuất miến dong tuy nhiên hoạt động chưa hiệu quả. Anh Nguyễn Văn Du, Giám đốc HTX cho biết: HTX được thành lập năm 2016, gồm 8 thành viên, ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất miến dong theo quy trình khép kín từ khâu trồng nguyên liệu đến thành phẩm. Tuy nhiên, việc sản xuất buộc phải dừng lại sau một thời gian ngắn bởi không chủ động được nguồn nguyên liệu (cây dong riềng trồng tại địa phương năng suất thấp, hàm lượng bột ít không đảm bảo chất lượng để làm miến, người dân không mặn mà trồng). Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này ở địa phương thấp hơn so với các sản phẩm mỳ gạo trên địa bàn. Bởi vậy, từ năm 2020, HTX chuyển sang làm mỳ gạo. Dù trước mắt vẫn nhiều khó khăn, nhưng đây là hướng đi phù hợp, khả thi hơn.
Nói thêm về việc chưa về đích NTM kiểu mẫu, bà Ma Thị Thắm, Trưởng xóm Tổ cho rằng: Trong quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu, xóm Tổ sáp nhập với xóm Mấu, một xóm đặc biệt khó khăn của xã nên khó đảm bảo các tiêu chí. Thêm nữa, từ khi mô hình Làng Seamaul dừng lại, xóm không được hỗ trợ thêm bất cứ nguồn lực nào. Đặc biệt, khi đoàn tình nguyện Hàn Quốc rút về, bàn giao cho cán bộ phụ trách tổ chức KOICA vùng thì tất cả hạng mục, công trình, nguồn lực đầu tư cho xóm, nhân dân không được biết khiến nhiều người băn khoăn.
Theo ông Hoàng Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Phượng Tiến: Chúng tôi đang đề nghị với huyện bố trí thêm nguồn lực để hỗ trợ xóm Tổ hoàn thành tiêu chí hộ nghèo; hỗ trợ phát triển HTX Saemaul để xây dựng mỳ gạo trở thành sản phẩm OCOP của địa phương cũng như tìm đầu ra cho một số nông sản khác; đề nghị với chuyên gia vùng KOICA làm rõ những vấn đề người dân băn khoăn. Bên cạnh đó, xã cũng tích cực tuyên truyền để nhân dân hiểu và đồng lòng thực hiện các tiêu chí chưa đạt…