Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi trên địa bàn, huyện Phú Lương đã đề ra nhiều giải pháp bảo vệ môi trường trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ dân chấp hành việc xử lý chất thải chăn nuôi theo đúng quy định còn hạn chế.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Phú Lương có 332 trang trại, gia trại chăn nuôi. Hiện nay, phần lớn các cơ sở chăn nuôi lợn đã xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải, nhưng nước và khí thải từ hầm này chưa được tái sử dụng hiệu quả. Việc sử dụng đệm lót và chế phẩm sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi gia cầm chủ yếu mới tập trung ở những cơ sở chăn nuôi quy mô lớn.
Trước thực trạng trên, thời gian qua, vấn đề bảo vệ môi trường ở các vùng chăn nuôi được huyện Phú Lương và các xã, thị trấn trên địa bàn quan tâm. Huyện đã đề ra nhiều giải pháp, như: Chỉ cấp phép cho các trang trại, gia trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải theo quy định; tuyên truyền thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP…
Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng được huyện triển khai là yêu cầu các trang trại, gia trại có quy mô lớn đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Qua rà soát, trên địa bàn có 110/332 trang trại, gia trại phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đến nay, mới có 55 cơ sở được xác nhận đăng ký.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Lương cho biết: Hiện, ngoài các cơ sở chưa quan tâm thiết lập hồ sơ thì còn một số trang trại, gia trại đang gặp khó trong khâu phê duyệt hồ sơ đăng ký. Nguyên nhân là do trước đây, phần lớn các hộ dân đều xây dựng trang trại, gia trại gần khu dân cư. Đến nay, vị trí chuồng nuôi không còn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Do vậy, phòng Tài nguyên và Môi trường chưa thể xác nhận hồ sơ đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, công tác quản lý môi trường chăn nuôi tại cấp cơ sở cũng gặp khó khăn. Ông Lương Xuân An, Phó Chủ tịch UBND xã Phấn Mễ cho hay: Mặc dù hàng năm, xã thường xuyên tổ chức các buổi kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi trên địa bàn, nhưng việc đánh giá mức độ ô nhiễm mới chỉ qua cảm quan. Địa phương chưa có công cụ, thiết bị để phân tích, đánh giá chất lượng không khí, nguồn nước, tỷ lệ chất thải rắn và khí thải ra môi trường. Do vậy, chúng tôi rất khó có thể áp dụng các biện pháp xử phạt với những cơ sở vi phạm.
Một vấn đề nữa khiến công tác quản lý môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn huyện Phú Lương gặp khó, đó là hiện nay, phần lớn các cơ sở chăn nuôi đều có quy mô nhỏ lẻ. Từ nhiều năm trước, người dân đã định cư và tận dụng diện tích gần nhà hoặc trong khu vực nhà ở để xây dựng chuồng trại. Đến nay, đa số các hộ không có đủ diện tích để xây dựng quy trình xử lý chất thải khép kín, đảm bảo quy định. Chính vì vậy, tình trạng mùi hôi và chất thải chăn nuôi xả ra môi trường vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân xung quanh.
Mặc dù, các xã đã xây dựng quy hoạch khu chăn nuôi tập trung và vận động các hộ, cơ sở chăn nuôi di dời chuồng trại ra xa khu dân cư, nhưng người dân không mấy mặn mà. Ông Trần Văn Én, xóm Làng Hin, xã Phấn Mễ phân trần: Để di dời chuồng chăn nuôi ra khu vực quy hoạch, chúng tôi buộc phải đầu tư lại từ đầu, bao gồm chi phí mua đất và xây dựng hệ thống chuồng trại. Chúng tôi không có đủ vốn để thực hiện điều này. Bên cạnh đó, khu vực quy hoạch lại xa nơi sinh sống nên việc quản lý vật nuôi của gia đình tôi sẽ khó khăn hơn.
Trước những khó khăn trên, để làm tốt công tác quản lý về môi trường trong chăn nuôi, thời gian tới, huyện Phú Lương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt công tác xử lý chất thải; đôn đốc, hướng dẫn chủ trang trại, gia trại thuộc đối tượng đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường thực hiện quy trình thủ tục về môi trường theo quy định. Để nâng cao hơn nữa ý thức của người dân, huyện sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi và xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm… Từ đó, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành của người dân đối với công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.