Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn T.P Sông Công đã mạnh dạn chuyển hướng từ chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ sang phát triển trang trại liên kết với các doanh nghiệp (hay còn gọi là hình thức chăn nuôi gia công). Khi chăn nuôi theo hình thức này, người dân không những hạn chế được rủi ro về dịch bệnh, đầu ra mà còn yên tâm khi giá cả sản phẩm luôn ổn định.
Thực tế cho thấy, chăn nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, kèm theo chi phí thức ăn, phí vận chuyển tăng cao, vì vậy, chăn nuôi gia công là hướng đi được nhiều hộ lựa chọn trong những năm gần đây. Với hình thức chăn nuôi này, các doanh nghiệp sẽ đầu tư "trọn gói" từ con giống, thức ăn, kỹ thuật, người chăn nuôi chỉ cần bỏ công chăm sóc, vệ sinh chuồng trại.
Trung bình 1kg lợn, gà hơi, người dân thu lợi nhuận 4-5 nghìn đồng, tùy thuộc vào thỏa thuận giữa doanh nghiệp và hộ chăn nuôi. Theo đánh giá của người dân, so với chăn nuôi thông thường, chăn nuôi gia công có tính bền vững và an toàn hơn, bởi, bà con không phải lo lắng vấn đề đầu ra, dịch bệnh, môi trường được đảm bảo.
Với những ưu điểm trên, không ít hộ trên địa bàn T.P Sông Công đã chuyển dần từ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hình thức trang trại liên kết với doanh nghiệp. Hiện, T.P Sông Công toàn thành phố có 125 trang trại chăn nuôi (tăng 13 trang trại so với năm 2020), chủ yếu là chăn nuôi gà và lợn, tập trung ở các xã, phường: Bá Xuyên, Bình Sơn, Châu Sơn, Lương Sơn... Trong đó, trên 90% trang trại có liên kết với các doanh nghiệp như: Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty JapFa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH Emivest Feedmilk Việt Nam, Công ty TNHH Newstar...
Có diện tích chuồng trại hơn 1.000m2, hơn 5 năm nay, gia đình anh Dương Quốc Huy, ở xóm Bá Vân 2, xã Bình Sơn đã liên kết với Công ty TNHH JapFa Comfeed Việt Nam chăn nuôi khoảng 30.000 con gà trắng/lứa (5-6 lứa/năm) và khoảng 400 lợn con thịt/lứa (1 năm 2 lứa). Theo các điều khoản hợp đồng ký kết, Công ty có trách nhiệm cung cấp con giống, thức ăn, thuốc phòng, chống dịch bệnh, cử nhân viên kỹ thuật hỗ trợ gia đình trong quá trình chăm sóc vật nuôi và bao tiêu sản phẩm. Phía gia đình có trách nhiệm đầu tư chuồng trại đảm bảo theo tiêu chuẩn kỹ thuật (khép kín, có phòng sát khuẩn, hệ thống camera giám sát…), vệ sinh phòng dịch và đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
Anh Huy cho hay: Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh của phía đối tác, mặc dù dịch bệnh trên đàn vật nuôi những năm gần đây diễn biến phức tạp, song đàn lợn, gà của gia đình tôi luôn sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, mang lại lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/năm.
Là một trong những địa phương có phong trào chăn nuôi phát triển mạnh với 43 trang trại gà (quy mô 5.000-8.000 con/lứa), từ nhiều năm nay, người dân xã Bá Xuyên đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp để việc chăn nuôi mang lại hiệu quả.
Ông Đỗ Trọng Lư, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tại địa phương, mô hình chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp được thực hiện từ những năm 2012-2013. Đến nay, 41/43 trang trại trên địa bàn xã đã chuyển sang chăn nuôi theo hình thức này. Qua theo dõi, đánh giá của cơ quan chuyên môn, nhìn chung các trang trại đều đảm bảo an toàn dịch bệnh, có nguồn thu nhập ổn định ngay cả khi giá cả thị trường xuống thấp. Mô hình này cũng đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 4-6 triệu đồng/tháng. Do phải đáp ứng những quy trình nghiêm ngặt các doanh nghiệp đề ra, vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở địa phương cũng từng bước được giải quyết.
Theo ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế T.P Sông Công, trước tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp như hiện nay, chăn nuôi an toàn sinh học khép kín theo hình thức liên kết với doanh nghiệp là mô hình tối ưu cho các hộ nông dân khi vừa giải quyết được khâu vốn, kỹ thuật lại vừa hạn chế được rủi ro bởi dịch bệnh, rớt giá. Bên cạnh đó, người dân còn được tiếp cận với các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, từ đó thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
Từ những ưu điểm trên, thành phố đang khuyến khích các hộ dân phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại liên kết với doanh nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế. Đồng thời, khuyến cáo bà con, ngoài lợi ích kinh tế thì cần tích lũy kinh nghiệm và kiến thức để phát triển chăn nuôi bền vững.
Thời gian tới, cùng với việc quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, T.P Sông Công sẽ tích cực tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vật nuôi và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để chăn nuôi đạt năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết trong chăn nuôi, cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo bà con nên lựa chọn các công ty, doanh nghiệp có uy tín để việc liên kết được bền vững, hiệu quả.