Đa lợi ích nhờ đổi mới

10:17, 07/11/2021

Những năm gần đây, các doanh nghiệp (DN) lĩnh vực dệt may của tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất, quản trị DN. Qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tạo sức cạnh tranh trên thị trường.

Toàn tỉnh hiện có 11 DN hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Những năm qua, các DN may đã có những bước phát triển khá mạnh mẽ, đóng góp trên 50% giá trị xuất khẩu địa phương của tỉnh. Trong đó có sự đóng góp lớn của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG - top 10 DN may lớn nhất cả nước.

Hiện nay, TNG là DN chuyên may xuất khẩu áo khoắc Jaket sang các nước Mỹ, Canađa, Nhật Bản...; đạt doanh thu trung bình mỗi năm đạt trên 3.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT TNG chia sẻ: Ngoài duy trì ổn định sản xuất của 15 nhà máy may, TNG đã đầu tư các nhà máy phụ trợ (thêu, in công nghiệp, sản xuất bông tấm, túi); dần đáp ứng được yêu cầu của đối tác, khách hàng về sản xuất theo một quy trình khép kín, tiết kiệm chi phí và gia tăng lợi nhuận sản phẩm. Ngoài ra, để nâng cao năng lực quản trị DN, TNG cũng đã triển khai Đề án Quản trị hàng tồn kho, quản lý người lao động và các vấn đề tài chính thông qua các ứng dụng phần mềm điện tử.

Xưởng in vải tự động của TNG công suất in từ 70.000 - 100.000 thành phẩm, bán thành phẩm trong một ngày.   

Giống như TNG, Công ty CP May Thành Hưng hiện cũng đã đưa vào dây chuyền sản xuất các máy móc hiện đại như máy trần bông, thổi lông vũ, máy cắt tự động và một số máy chuyên dụng trong sản xuất áo khoác Jacket như thùa đính, lập trình...

Ông Nguyễn Viết Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty CP May Thành Hưng cho biết: Riêng 2 năm qua, Công ty đầu tư hơn 20 tỷ đồng mua sắm các máy thiết bị may tự động, bán tự đồng được nhập khẩu từ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các máy này đã góp phần thay thế nhiều nhân công lao động, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Đơn cử như máy nhồi bông giúp thay thế hàng chục công nhân và nâng công suất lên 600 sản phẩm/ngày (tăng gấp 5-6 lần); còn máy thổi lông vũ giảm được 6 người/ca và cho công suất tăng gấp 2-3 lần (từ 200-300 sản phẩm/ngày). Không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất, việc chuyển đổi công nghệ sản xuất hiện đại còn góp phần cải thiện môi trường làm việc trong phân xưởng.

Chị Nguyễn Thị Hà, công nhân làm việc tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT chia sẻ: Trước đây, nếu gia công nhồi bông cho các sản phẩm may thì cần đông công nhân thực hiện và rất mất vệ sinh vì lông vũ bay bụi khắp phân xưởng. Nhưng từ khi có máy móc thay thế thì chỉ cần có 2 công nhân đứng vận hành, đặc biệt là môi trường làm việc không còn bụi như trước.

Thực tế có thể thấy, các DN may đã có những bước đổi mới công nghệ sản xuất và đem lại những lợi ích thiết thực. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hiện nay, số lượng này vẫn chưa nhiều và chỉ tập trung ở các DN may có quy mô lớn và vừa.

Khó khăn của hầu hết DN may là tiềm lực tài chính và trình độ tiếp cận khoa học, công nghệ còn hạn chế. Vì thế, thời gian tới, các DN mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn của Trung ương và địa phương; tham gia các hội chợ công nghệ và thiết bị; hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực với các DN có vốn đầu tư nước ngoài…