Khoảng 2-3 năm trở lại đây, người dân ở một số vùng trồng bưởi trên địa bàn huyện Đại Từ khá lo ngại khi cây sai hoa song tỷ lệ đậu quả lại thấp. Năm nay, dù chưa đánh giá được chuẩn xác chất lượng quả nhưng sản lượng dự báo tiếp tục giảm mạnh, nhiều hộ lo thiếu bưởi bán trong vụ Tết - vụ thu hoạch đem lại nguồn thu nhập chính cho họ.
Với gần 60ha trồng bưởi các loại, xã Tiên Hội là một trong những địa phương có diện tích bưởi lớn nhất huyện Đại Từ. Do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và được chăm sóc tốt nên chất lượng quả ở đây không thua kém các vùng bưởi nổi tiếng khác. Tuy vậy, những năm gần đây, nhiều vườn bưởi sai hoa nhưng lại chỉ thu hoạch được lác đác vài quả.
Đơn cử như vườn bưởi của ông Nguyễn Đình Tới, ở xóm Tiên Trường 2. Với hơn 400 gốc bưởi, chủ yếu là giống bưởi Diễn, cây nào cây nấy đều xanh tốt nhưng đến nay, mỗi cây chỉ điểm lác đác vài quả, thậm chí không có quả nào. Ông Tới buồn rầu: Những năm trước, hơn 250 gốc bưởi của gia đình cho thu hoạch với sản lượng bình quân trên 10.000 quả, sau khi trừ chi phí, mỗi năm, tôi thu về khoảng 150 triệu đồng. Nhưng với tình hình năm nay, nếu những quả trên cây phát triển tốt đến lúc cho thu hoạch thì cả vườn cũng chỉ được tối đa khoảng 4.000-5.000 quả. Cả một năm chăm sóc chờ đến ngày thu hoạch nhưng thành quả lại chẳng được là bao.
Từng là hộ có vườn bưởi chất lượng và luôn bán được giá cao vào những vụ trước nhưng vài ba năm nay, ông Nguyễn Văn Thái, ở xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Nông cũng chịu cảnh mất mùa tương tự. Năm nay, tỷ lệ đậu quả của bưởi chỉ đạt gần 50%, tương ứng khoảng 30-40 quả/cây.
Ông Thái chia sẻ: Năm 2017, tôi cùng 11 hộ dân trong vùng liên kết thành lập hợp tác xã trồng cây ăn quả với tổng diện tích 35.000m2, trong đó bưởi Diễn là cây trồng chủ lực, chiếm 90% diện tích. Thế nhưng, thời tiết bất thuận những năm gần đây đã khiến sản lượng quả giảm mạnh, đầu ra cũng không mấy thuận lợi nên mới đây, hợp tác xã đành tạm dừng hoạt động.
Tương tự, hàng trăm hộ trồng bưởi ở các xã Tiên Hội, Hoàng Nông, Quân Chu, thị trấn Quân Chu… đều như đang “ngồi trên đống lửa” khi cây bưởi bị sụt giảm năng suất. Nhận định về nguyên nhân của hiện tượng này, các hộ dân cho rằng, thời điểm cây bưởi ra hoa đúng vào lúc thời tiết có mưa lạnh kéo dài khiến hoa thụ phấn kém. Thậm chí có những đợt mưa phùn kéo dài cả tháng khiến hoa bị ủng, thối và rụng hàng loạt. Một số diện tích ra hoa sớm, đã đậu quả non cũng bị rụng phần lớn.
Bên cạnh đó, do kinh nghiệm còn hạn chế nên một số bà con trồng bưởi với mật độ khá dày, thậm chí có người chỉ để khoảng cách giữa các cây là 3-4m trong khi khoảng cách tiêu chuẩn là 8m. Do vậy, sau 4-5 năm chăm sóc, cây bắt đầu khép tán, lá xum xuê dẫn đến sâu bệnh, tỷ lệ đậu quả không cao. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng, nước tưới không đầy đủ cũng khiến cây ra hoa ít hoặc sai hoa nhưng hoa bé và nếu đậu quả thì chất lượng không cao.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bưởi hiện là loại cây ăn quả chủ lực ở huyện Đại Từ. Thông thường, cây bưởi ra hoa vào đầu năm và bắt đầu cho thu hoạch từ rằm tháng 11 Âm lịch tới Tết Nguyên đán. Bình quân mỗi năm, các hộ trồng bưởi ở Đại Từ có thể thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng từ vụ thu hoạch Tết. Những năm gần đây, cây bưởi bị giảm sản lượng đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người nông dân, đặc biệt là các hộ chuyên canh cây ăn quả.
Trước thực trạng này, một số ý kiến cho rằng, cơ quan chuyên môn cần phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân cụ thể, từ đó đưa ra các giải pháp kỹ thuật để ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế tác động tiêu cực của thời tiết. Trước mắt, theo khuyến cáo, để giữ ổn định sản lượng, người trồng cần chăm sóc, bón phân hợp lý để số quả còn lại phát triển đạt chất lượng và chống rụng quả. Bà con cần chú ý cắt tỉa cành, tạo tán để vừa tạo sự thông thoáng cho cây vừa hạn chế sâu bệnh, loại bỏ những cây còi cọc, mắc bệnh, bám sát vườn để kiểm soát dịch hại kịp thời.