Trong điều kiện thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19 như hiện nay, việc ngành Công Thương tổ chức Chương trình “Kích cầu tiêu dùng nội địa gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong tình hình mới" là rất cần thiết. Đây được coi là biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn tức thì cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, người nông dân đang chịu tác động bởi đại dịch COVID.
Chúng ta đều biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng hàng hóa tiêu thụ trong nước giảm sút kéo theo hoạt động sản xuất đình trệ. Chính phủ và các địa phương đã có nhiều giải pháp khai thông thị trường, kích cầu tiêu dùng, sản xuất, nhưng vẫn chưa thể khôi phục như bình thường.
Đã có thời điểm, cả nước phải “cùng chung tay giải cứu hàng hóa”, nhất là hàng nông sản để giúp bà con nông dân, hộ sản xuất và doanh nghiệp vượt dịch, giảm thua lỗ. Thái Nguyên tuy không phải tâm dịch, nhưng cũng chịu tác động không ít. Do vậy rất cần các hoạt động kích cầu tiêu dùng rộng rãi trong nhân dân.
Theo kế hoạch thì Chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa của tỉnh tổ chức sớm nhất tại 3 điểm của huyện Định Hóa là chợ Bộc Nhiêu, Bưu điện văn hóa xã Bình Yên và Bưu điện huyện Định Hóa (bắt đầu từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12-2021, sau đó sẽ tiến hành tại các huyện, thành, thị khác trong tỉnh).
Ngoài mục đích gắn kết xúc tiến thương mại với thúc đẩy sản xuất, cung ứng dịch vụ trên địa bàn, Chương trình còn tạo hiệu ứng chuỗi sự kiện kích cầu thương mại góp phần khôi phục và thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu dùng; khuyến khích các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại triển khai các hoạt động khuyến mãi, giảm giá.
Hoạt động này góp phần điều tiết, lưu thông phân phối hàng hóa, nhằm bảo đảm cung ứng nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Ngoài ra còn là dịp để tuyên truyền, thay đổi nhận thức và hành vi tiêu dùng của cộng đồng đối với hàng Việt.
Hàng hóa tham gia Chương trình chủ yếu được huy động từ các doanh nghiệp địa phương với các mặt hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, giá bán thấp hơn hoặc bằng giá thị trường cùng thời điểm.
Tại các điểm thực hiện kích cầu tiêu dùng, Ban tổ chức sẽ trưng bày, quảng bá, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ những sản phẩm nông nghiệp chủ lực; sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất uy tín; đặc sản vùng miền, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, nông sản, thực phẩm đạt chuẩn an toàn, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của địa phương, sản phẩm OCOP...
Các đơn vị, doanh nghiệp tham gia bán hàng tại đây được hỗ trợ 100 chi phí dàn dựng khu trưng bày và bán hàng, điện, nước, trang trí, quảng bá… Đặc biệt, Chương trình cũng hỗ trợ thiết bị, đường truyền để các đơn vị tham gia có thể đưa sản phẩm hàng hóa của mình lên Sàn Thương mại điện tử, thuận cho việc đặt hàng, mua hàng trực tuyến.
Với chủ đề “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”, hy vọng Chương trình sẽ được các thành phần kinh tế cùng đông đảo người tiêu dùng trong tỉnh hào hứng đón nhận và tham gia tích cực. Đây cũng sẽ là dịp để kiểm tra thực tế tính thích ứng trong tình hình mới của thị trường, sức mua của người dân vùng nông thôn trong mùa dịch, đồng thời nhận biết được tính hiệu quả mà các chương trình thương mại hướng về cơ sở do ngành Công Thương chủ trì triển khai.