Đồng Duyên có truyền thống làm chè lâu đời và cũng là xóm có diện tích trồng chè lớn nhất xã Phú Đình (Định Hóa). Những năm gần đây, nhờ người dân trong xóm tích cực chuyển đổi cơ cấu giống và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến nên sản phẩm chè Đồng Duyên từng bước được nâng cao giá trị, góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho bà con.
Đồng Duyên được sáp nhập từ hai xóm Duyên Phú 1 và Duyên Phú 2. Xóm hiện có 140 hộ, 604 nhân khẩu, trong đó có tới 80% hộ làm nghề chè và có lao động trực tiếp tham gia thâm canh, sản xuất chè. Theo lời kể lại, cây chè bẽn rễ đất Đồng Duyên từ khoảng năm 1965. Thời điểm đó, diện tích chè của xóm chủ yếu là chè trung du lá nhỏ, năng suất, chất lượng thấp và nhu cầu của thị trường cũng không cao. Suốt hàng chục năm sau đó, người dân trong xóm cũng quen sản xuất, chế biến chè theo kinh nghiệm, hiếm khi cập nhật các kiến thức mới, do vậy giá trị sản phẩm chè Đồng Duyên không cao.
Mãi đến vài năm trở lại đây, hưởng ứng lời vận động, tuyên truyền của UBND xã Phú Đình và các cơ quan chuyên môn của huyện, người dân trong xóm mới rục rịch chuyển đổi sang trồng những giống chè cành cho năng suất, chất lượng cao. Một hộ, hai hộ,… rồi dần dà, chè cành được bà con trong xóm đưa vào trồng thay thế những diện tích chè trung du đã già cỗi. Cùng với đó, người dân Đồng Duyên cũng mạnh dạn “ra biển”, tìm học cách sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP ở các địa phương khác để vừa để đảm bảo an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng vừa nâng cao giá trị sản phẩm chè.
Anh Đặng Văn Quang, xóm Đồng Duyên nói: Trước đây, theo thói quen và kinh nghiệm, gia đình tôi chỉ trồng chè trung du. Quả thực giống chè này năng suất thấp, nhu cầu của thị trường không cao, so sánh giá trị kinh tế với những giống chè cành thì thua xa. Chính vì thế, năm 2015, gia đình tôi chuyển đổi toàn bộ 1ha chè trung du sang trồng chè cành và sản xuất theo quy trình VietGAP. Đến nay, trung bình mỗi lứa, gia đình tôi thu hoạch khoảng 2 tạ chè búp khô, bán với giá 200 nghìn đồng/kg, thu về trên dưới 200 triệu đồng mỗi năm.
Hiện nay, toàn xóm Đồng Duyên có trên 40ha chè kinh doanh, trong đó hơn 90% diện tích được trồng các giống chè cành có năng suất, chất lượng cao (như: PH1, Phúc Vân Tiên, TRI777, Long Vân...), 25ha chè sản xuất theo quy trình VietGAP. Cùng với việc chuyển sang trồng các giống chè chất lượng cao, nhân dân trong xóm cũng tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khâu sản xuất, chế biến. Đến nay, năng suất chè búp tươi của xóm đạt trên 8 tấn/ha/năm, chè búp khô đạt 1,6 tấn/ha/năm. Nhờ vào cây chè, đời sống của nhân dân trong xóm được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/ người/năm. Đồng Duyên hiện chỉ còn 8 hộ nghèo.
Anh Nguyễn Văn Nam, Trưởng xóm Đồng Duyên cho biết: Những năm trước đây, để vận động người dân chuyển đổi sang các giống chè cành là chuyện vô cùng khó khăn. Phải đến khoảng những năm 2010, tỉnh thực hiện hỗ trợ 100% giá giống để chuyển đổi từ chè trung du sang trồng chè cành cho chất lượng, sản lượng cao, chính sách này được đông đảo người dân trong xóm hưởng ứng, diện tích chè cành tăng nhanh chóng. Đến năm 2021, ngân sách tỉnh không còn hỗ trợ, nhưng huyện Định Hóa vẫn hỗ trợ 100% giống cho hộ nghèo và cận nghèo, 50% giá giống cho các hộ dân có nhu cầu. Đây là cơ sở để người dân quyết định chuyển đổi sang trồng các giống chè mới, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tiến tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên 100% diện tích chè của xóm.
Với định hướng và cách làm đúng đắn này, chắc chắn trong thời gian tới, cây chè ở Đồng Duyên sẽ ngày càng phát triển và được nâng cao hơn nữa về chất lượng, giá trị kinh tế để giúp người dân nâng cao thu nhập, dần xây dựng thương hiệu chè địa phương.