Nỗi lo bưởi mất mùa

08:40, 04/11/2021

Mặc dù đã bước vào vụ thu hoạch, song năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết nên phần lớn diện tích bưởi trên địa bàn T.P Sông Công không đậu quả, năng suất sụt giảm khoảng 80%. Tình trạng bưởi mất mùa liên tiếp trong một vài năm gần đây khiến các nhà vườn không khỏi lo lắng khi đầu tư thâm canh loại cây trồng này.

Tìm hiểu thực tế tại một số vườn bưởi thuộc các xã, phường (Tân Quang, Bá Xuyên, Châu Sơn...), chúng tôi nhận thấy, hầu hết diện tích bưởi đều mất mùa, mỗi cây chỉ có lác đác một vài quả. Là một trong những hộ dân có diện tích trồng bưởi lớn của xã Tân Quang với hơn 300 gốc, nhưng năm nay, gia đình ông Trần Văn Phú, ở xóm Làng Dỗ dự tính chỉ thu hoạch được trên 500 quả. Ông Phú nhẩm tính: Ở những vụ trước, diện tích này có thể cho thu hoạch gần 20 nghìn quả. Với giá bán bình quân 15-17 nghìn đồng/quả, vào thời gian cao điểm bưởi được mùa, gia đình tôi thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Tuy nhiên năm nay, thu nhập từ vườn bưởi may ra cũng chỉ đủ chi phí đầu tư, thuê nhân công chăm sóc.

Tương tự, năm nay là vụ thứ 3 hơn 200 gốc bưởi Diễn của gia đình anh Đồng Văn Quang, xóm Lý Nhân, xã Bá Xuyên, gần như không cho thu hoạch quả. Anh Quang buồn rầu: Nếu những vụ trước, mỗi cây bưởi trồng lâu năm có thể thu hoạch được 100-150 quả, trọng lượng đạt 0,7-0,8kg, thì năm nay, mỗi cây chỉ đậu 5-7 quả, có cây không có quả nào. Mặc dù việc bón phân, chăm sóc đều đảm bảo đúng kỹ thuật, trong quá trình sinh trưởng, cây tốt, xanh lá, song đúng thời điểm ra hoa, đậu quả lại có mưa phùn kéo dài nên tỷ lệ đậu quả rất thấp. Trước tình trạng bưởi mất mùa liên tiếp, tôi dự tính sẽ đốn một số gốc để trồng thay thế bằng loại cây ăn quả khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nghiêm Thị Bình, Phó phòng Kinh tế T.P Sông Công cho biết: Qua theo dõi, đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân bưởi mất mùa là do vào thời điểm tháng Hai, khi cây bắt đầu ra hoa và đậu quả thì gặp phải thời tiết mưa phùn kéo dài, kèm theo mưa muối và a-xít khiến hoa rụng, quả con bị thối.

Mặt khác, khi mới bắt đầu trồng, do kinh nghiệm còn hạn chế nên một số bà con trồng với mật độ khá dày. Sau 8-10 năm sau, cây ra tán, lá xum xuê dẫn đến sâu bệnh nhiều, khiến tỷ lệ quả đậu thấp. Một số chủ vườn không thường xuyên tỉa cây, định hình sau mỗi vụ thu hoạch khiến cây bưởi yếu, dễ phát sinh sâu bệnh gây hại... Với tổng diện tích trên 80ha bưởi Diễn, Phúc Trạch, da xanh..., năm nay, năng suất dự ước của T.P Sông Công chỉ đạt gần 2.000 tấn.

Trước thực trạng bưởi mất mùa liên tiếp, hiện nay, cơ quan chuyên môn của thành phố đã đi kiểm tra thực tế tại một số vườn và xây dựng giải pháp kỹ thuật cụ thể để phổ biến, hướng dẫn tới người dân. Trong đó, hướng dẫn bà con điều tiết quá trình phát triển của cây bưởi qua các thời kỳ sinh trưởng; thường xuyên cải tạo đất, phòng trừ sâu bệnh, giữ nước hợp lý cho cây. Đặc biệt, vào thời kỳ ra hoa, đậu quả, bà con cần phải giữ đủ ẩm cho vườn bưởi và thoát nước kịp thời khi vườn đọng nước. Đặc biệt, vào những ngày mưa liên tục, mưa phùn kéo dài, người dân có thể dùng máy phun nước lên cây để giảm hàm lượng a-xít đọng lại trên hoa, quả non.

Để tránh bưởi ra hoa vào đúng thời điểm mưa nhiều, người dân nên cắt bớt rễ, vít cành, khoanh thiến thân, cành; tạo khô hạn và ngừng bón phân vào tháng 10-12 Âm lịch trên các cây bưởi khỏe; sử dụng một số chất điều hòa sinh trưởng, phun hoặc tưới cho cây vào thời kỳ trước hoặc sau khi nở hoa, đậu quả…