Nông dân Đại Từ “trông” chè trái vụ

06:20, 23/11/2021

Từ đầu năm đến nay, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp nói chung và người làm chè nói riêng. Trong bối cảnh dịch bệnh dần được kiểm soát, các hộ làm chè trên địa bàn huyện Đại Từ đang tập trung sản xuất chè vụ đông - vụ sản xuất được giá nhất trong năm với mong muốn bù đắp lại những ảnh hưởng về kinh tế, đồng thời, cung cấp ra thị trường những sản phẩm chè thơm ngon, chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dịp cuối năm.

Mặc dù đã bước vào mùa khô nhưng nhiều nương chè trên địa bàn huyện Đại Từ vẫn đang đua nhau trổ búp xanh non mơn mởn. Tại xã Phú Lạc, một trong những địa phương sản xuất chè đông thuộc tốp đầu của huyện, với gần 120ha, ngay từ cuối tháng 9, đầu tháng 10, người dân đã tiến hành bón thúc, tủ gốc chè để giữ ấm, giữ ẩm cho cây.

Bà La Thị Tâm, ở xóm Lũng 2, xã Phú Lạc cho biết: Gia đình tôi có trên 6.000m2 trồng chè. Trong đó, tôi dành khoảng 3.600m2 ở những vị trí thuận nước tưới để làm chè đông. Tùy vào tình hình thời tiết, sau khoảng 45-50 ngày, tôi có thể thu một lứa chè đông, nếu trời có sương muối thì kéo dài đến 60 ngày/lứa. Hầu hết lượng chè phục vụ thị trường dịp Tết đều phụ thuộc vào những lứa chè đông này. Do vậy, cùng với tập trung chăm sóc, tôi cũng chuẩn bị các loại túi, hộp giấy đẹp mắt để phục vụ nhu cầu mua chè làm quà biếu, tặng của khách hàng.

So với các địa phương khác trong huyện Đại Từ, diện tích chè vụ đông ở xã Minh Tiến không nhiều. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều hộ dân trong xã đã chủ động nguồn nước, dày công chăm sóc để có được sản phẩm chè đông chất lượng, cho hiệu quả kinh tế cao. Tại HTX Chè Tân Tiến, xóm Hòa Tiến 2, hai bể chứa nước với dung tích 120m3/bể được bơm nước liên tục để tưới mát, cấp ẩm cho các nương chè.

Ông Chu Minh Tuyển, Giám đốc HTX nói: Làm chè đông tốn công hơn chè chính vụ rất nhiều, trong đó quan trọng nhất là nước tưới và chế độ dinh dưỡng cho cây để chống chọi với thời tiết hanh khô. Trong tổng số 20ha chè của HTX thì có gần 10ha chè VietGAP đã cho sản lượng và đang được các thành viên canh tác vụ đông. Tuy năng suất chè đông chỉ bằng một nửa nhưng giá trị lại cao hơn các lứa chè sản xuất trong năm từ 2-3 lần. Với mỗi kg chè đông, bà con có thể bán được với giá từ 500-600 nghìn đồng. Trong suốt cả năm nay, do dịch bệnh, chè tiêu thụ kém và bị thương lái ép giá nên giá chè chính vụ giảm khoảng 30-40%. Do vậy, người dân rất kỳ vọng vào hiệu quả kinh tế của vụ chè đông.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn huyện Đại Từ hiện có hơn 6.400ha chè, trong đó, diện tích chè sản xuất vụ đông là 1.600ha (tăng 600ha so với năm 2019). Dù sản lượng vụ đông không bằng chè chính vụ nhưng giá bán lại cao hơn nhiều nên bà con rất chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây. Trong quá trình chế biến, nhiều hộ sử dụng tôn quay, máy vò chè bằng điện và máy hút chân không để bảo đảm sản phẩm chè giữ nguyên hương vị đến tay người tiêu dùng.

Nhằm tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất chè nói chung và chè vụ đông nói riêng, những năm qua, huyện Đại Từ đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ giống, vật tư phân bón và máy móc thiết bị chế biến chè. Trong đó, việc hỗ trợ hệ thống tưới chè được các hộ dân đánh giá cao bởi tính thiết thực, do nguồn nước tưới là yếu tố tối quan trọng đối với sự phát triển của cây chè trong tiết trời khô hạn mùa đông.

Mới đây, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đại Từ đã triển khai hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới chè trên tổng diện tích gần 30ha tại các xã: An Khánh, Cù Vân, Phục Linh và Đức Lương. Theo đó, mức hỗ trợ là 40% chi phí đầu tư công nghệ tưới tiết kiệm nước cho chè, không quá 20 triệu đồng/ha. Trước đó, giai đoạn 2016-2020, huyện Đại Từ cũng hỗ trợ hệ thống tưới cho gần 500ha chè, với tổng kinh phí gần 7,5 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách huyện là trên 2,8 tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh. Việc sử dụng hệ thống tưới đã góp phần nâng cao đáng kể năng suất, chất lượng sản xuất chè, đặc biệt là trong vụ đông.

Từ thực tế những năm gần đây cho thấy, việc người dân tận dụng các điều kiện để sản xuất chè vụ đông đã góp phần nâng cao thu nhập, đồng thời, đảm bảo lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường dịp Tết Nguyên đán. Do vậy, để tích cực hỗ trợ các hộ dân phát triển sản xuất, huyện Đại Từ đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn người trồng chè thực hiện các biện pháp kỹ thuật, tập trung bón phân, tưới nước để chè nhanh ra búp, phòng trừ sâu bệnh hại. Đến nay, các diện tích chè đông trên địa bàn huyện đều đang sinh trưởng, phát triển tốt, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường dịp cuối năm.