Nông dân Định Hóa vững tin vào cây quế

08:53, 16/11/2021

Với diện tích tự nhiên trên 52 nghìn ha, trong đó, đất lâm nghiệp chiếm trên 65%, huyện Định Hóa lựa chọn cây quế là một trong những hướng đi chính để phát triển. Đây được đánh giá là sự lựa chọn phù hợp với địa phương miền núi này. Việc phát triển cây quế vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn nước, nâng độ che phủ rừng.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015-2020, Định Hóa đã đưa cây quế vào chương trình phát triển cây lâm nghiệp. Đến nay, cây quế có mặt ở hầu hết các xã trên địa bàn. Huyện cũng đặt ra mục tiêu, đưa quế trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế đồi rừng. Cụ thể, đến cuối năm 2021, toàn huyện trồng được gần 3 nghìn ha quế với mật độ 5.000 cây/ha, phấn đấu đến năm 2030, có trên 10 nghìn ha quế.

Thời điểm hiện tại, nhiều diện tích quế 5-6 năm tuổi trên địa bàn đã cho thu hoạch tỉa cành, lá. Tất cả được doanh nghiệp Vũ Hoa, ở thị trấn Chợ Chu thu mua với giá 1.400 đồng/kg. Theo tính toán, trung bình mỗi ha tỉa cành, lá được 15 tấn; thu nhập bình quân từ tỉa cành, lá đạt khoảng 21 triệu đồng/ha. Dự kiến tổng thu nhập của cây quế từ năm thứ 5 đến năm thứ 17 là khoảng 1 đến 1,3 tỷ đồng/ha.

Ông Lý Văn Cương, ở xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng, chia sẻ: Người dân ở đây hầu hết đã chuyển sang trồng quế. Sau 4 năm, chúng tôi có thể thu lá, rồi dần dần khai thác tỉa cành nên có thu nhập ổn định.

Anh Hoàng Văn Ngọc, ở xóm Hương Bảo 3, xã Quy Kỳ, cho biết thêm: Trong xóm giờ bớt diện tích cây lâm nghiệp khác rồi. Nguồn vốn của tỉnh và huyện chủ yếu đầu tư cây giống cho các hộ tham gia Dự án trồng quế, trong đó có cả phân bón. Bản thân tôi và một số hộ rất yên tâm khi trồng cây quế, có hộ còn tự bỏ vốn mở rộng diện tích trồng.

Là đơn vị vừa cung ứng giống, vừa tiêu thụ quế cho bà con nhân dân, hiện nay, Công ty TNHH Vũ Hoa đã có xưởng chế biến các sản phẩm từ quế với công suất tối đa đạt 50 tấn cành, lá/ngày, cho ra các sản phẩm cành quế, lá quế và bột lá quế, các loại quế thanh, quế sáo, quế điếu, tinh dầu quế... Trong đó, tinh dầu quế được Công ty lựa chọn đưa đi dự thi sản phẩm OCOP cấp tỉnh, với tiềm năng có thể đạt 3 sao trở lên.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Giám đốc Công ty chia sẻ: Những sản phẩm cành, lá quế (rừng quế trồng từ năm 2015) được chúng tôi thu mua về và phân tách thành các phần để bán cành, lá quế, chế biến bột lá quế, chiết suất tinh dầu. Nhu cầu thu mua nguyên liệu để chế biến các sản phẩm từ quế của Công ty ở thời điểm hiện tại rất lớn.

Mặc dù có tiềm năng phát triển, tuy nhiên, do hiện nay diện tích trồng quế trên địa bàn huyện chưa đáp ứng đủ số lượng để xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm từ quế, do vậy, Công ty TNHH Vũ Hoa hiện vẫn đang phải thu mua nguyên liệu từ các địa phương lân cận. Từ nhu cầu của thị trường, trong thời gian tới, huyện Định Hóa tiếp tục có những hỗ trợ đối với các hộ trồng quế, để nâng tầm loại cây này trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.

Ông Lý Văn Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Định Hóa cho hay: Thời gian tới, huyện xác định những cơ chế hỗ trợ để phát triển diện tích trồng quế, như: Hỗ trợ trồng quế từ nguồn ngân sách huyện và tỉnh; đề nghị với tỉnh đưa cây quế vào là cây chủ lực của Thái Nguyên để tập trung phát triển; hỗ trợ về sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm quế trên địa bàn; phấn đấu đến năm 2025 thu hút xây dựng được nhà máy chiết suất tinh dầu quế trên địa bàn…

Qua thực tế cho thấy, cây quế ở Định Hóa đã bắt đầu mang lại thu nhập cho người dân, góp phần vào thực hiện mục tiêu nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, tạo việc làm và tăng thu nhập, giúp người dân làm giàu. Thực tế này khẳng định, phát triển cây quế đang là hướng đi đúng đắn trên quê hương ATK.