Sản xuất vụ đông: Giảm chi phí, tăng giá trị

07:06, 11/11/2021

Sản xuất nông nghiệp vụ đông trên địa bàn tỉnh năm nay phải đối mặt với nhiều khó khăn, như: Giá phân bón tăng cao, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến khâu vận chuyển, tiêu thụ nông sản... Mặc dù vậy, ngành Nông nghiệp, chính quyền các địa phương và bà con nông dân trong tỉnh vẫn nỗ lực để hoàn thành kế hoạch, vừa bảo đảm cung cấp đủ thực phẩm dịp cuối năm vừa góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Vụ đông năm nay, Hợp tác xã (HTX) Bình Minh, ở xóm Náng, xã Nhã Lộng (Phú Bình) sản xuất 7ha rau màu các loại. Do giá vật tư nông nghiệp, phân bón tăng cao nên HTX khuyến khích các hộ dân áp dụng mô hình sản xuất hữu cơ, VietGAP, hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất trên đồng ruộng.

Chị Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc HTX chia sẻ: Năm nay, thời tiết mưa nhiều nên cây rau sinh trưởng và phát triển chậm, sản lượng thu hoạch không bằng năm ngoái. Bù lại, giá rau đầu vụ cao hơn năm ngoái khá nhiều. Cụ thể, hiện nay chúng tôi đang bán bắp cải với giá 20 nghìn đồng/kg, su hào 25 nghìn đồng/kg, rau cải 26 nghìn đồng/kg, cà chua từ 25-30 nghìn đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 10 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, người nông dân lãi trung bình từ 6-8 triệu đồng/sào/vụ, cao hơn gấp nhiều lần so với cấy lúa.

Tương tự, đối với HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (T.X Phổ Yên), thời điểm này, các hộ trồng rau cũng đang tích cực xuống giống vụ mới, phấn đấu gieo trồng hết diện tích để cung cấp hàng hóa cho thị trường trong những tháng cuối năm. Bà Đinh Thị Thu, Giám đốc HTX phấn khởi: Vụ đông này, chúng tôi bảo nhau tiến hành trồng rải vụ và đa dạng các loại cây trồng như: Cà chua, khoai tây, hành, xà lách, rau mùi, cà rốt, rau cải, rau ngót, su hào, bắp cải… nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Để hạn chế chi phí đầu vào, chúng tôi sử dụng phân bón hữu cơ ủ hoai mục. Năm nay, HTX cũng ký được hợp đồng tiêu thụ với một số trường học trên địa bàn và vài cửa hàng thực phẩm an toàn trong tỉnh nên sản phẩm đầu ra sẽ thuận lợi hơn.

Ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế T.X Phổ Yên thông tin: Trên cơ sở hiện trạng đất đai, nhu cầu thị trường, tập quán và kinh nghiệm canh tác, các địa phương đã khuyến cáo bà con chọn gieo trồng các cây vụ đông phù hợp trên tổng diện tích hơn 2.000ha. Theo đó, bà con chủ yếu trồng ngô nếp và rau, củ, quả các loại phục vụ bán tại chợ và cung cấp cho một số bếp ăn tập thể. Cùng với đó, một số hộ dân, HTX cũng chủ động đầu tư nhà lưới, lắp hệ thống tưới tự động… để sản xuất theo hướng an toàn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình ông Nguyễn Văn Ngữ, ở tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn (T.P Sông Công) đầu tư lắp đặt nhà lưới để gieo trồng các loại rau màu vụ đông. Ảnh: L.H

Đối với Phú Lương, vụ đông năm nay, huyện có kế hoạch gieo trồng 580ha cây màu các loại, tập trung ở các xã Động Đạt, Phẫn Mễ, Cổ Lũng, Yên Đổ, Yên Lạc... Ông Phan Văn Tường, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Để sản xuất vụ đông đạt kết quả cao, chúng tôi phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, quy trình thực hành nông nghiệp tốt trên cây trồng, nhất là với các loại rau, củ, quả. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra hệ thống kênh mương, hồ đập và chủ động trữ nước đệm ở ao, hồ để có thể tưới cho diện tích cây vụ đông sớm khi gặp khô hạn sau gieo trồng.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, thời gian qua, một số chính sách hỗ trợ của tỉnh được triển khai kịp thời đã tạo động lực, khuyến khích người nông dân tích cực đầu tư, thâm canh cây trồng. Chỉ tính riêng trong vụ đông năm nay, tỉnh hỗ trợ giá giống khoai tây 450 nghìn đồng/sào (tổng diện tích hỗ trợ 290ha); giá giống bí xanh, bí đỏ 150 nghìn đồng/sào (360ha) và giá giống cà chua, dưa chuột 130 nghìn đồng/sào (290ha).

Tính đến đầu tháng 11, toàn tỉnh gieo trồng được hơn 11.000ha cây màu các loại, đạt 100% kế hoạch, trong đó, chủ yếu là ngô với 4.150ha và 6.900ha rau các loại. Hiện nay, các loại cây trồng đang sinh trưởng, phát triển tốt, không có sâu bệnh gây hại. Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ các vụ sản xuất trước, người dân đã bố trí trồng rau, củ, quả thành nhiều lứa, rải vụ, không dồn vào cùng một thời điểm nhằm hạn chế tình trạng cung vượt cầu dẫn đến giảm giá bán.

Bên cạnh những thuận lợi thì việc thiếu hụt lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, thị trường tiêu thụ không ổn định, chưa có nhiều hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm, nỗi lo "được mùa, mất giá" vẫn là những khó khăn mà người nông dân phải đối mặt. Trước những vấn đề trên, ngành Nông nghiệp định hướng, vụ đông năm 2021, toàn tỉnh không chú trọng mở rộng diện tích mà tập trung nhiều hơn vào việc nâng cao giá trị, hiệu quả canh tác.
Bởi vậy, tỉnh khuyến khích các hộ sản xuất, HTX tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, canh tác theo hướng hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản. Đồng thời, bố trí cơ cấu cây trồng và khung thời vụ hợp lý để đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.