Trước diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, như: Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm… xảy ra trong thời gian gần đây, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với chính quyền các địa phương và bà con nông dân triển khai quyết liệt những biện pháp kiểm soát, không để dịch lây lan ra diện rộng. Qua đó, góp phần duy trì sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho thị trường dịp cuối năm.
Do xuất hiện tình trạng lợn chết rải rác từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 11 vừa qua, sau khi xác định nguyên nhân, T.P Sông Công đã công bố dịch tả lợn châu Phi tại phường Lương Sơn. Tính đến ngày 7-12, đã có gần 15 tấn lợn của 14 hộ chăn nuôi trên địa bàn bị chết, buộc phải tiêu hủy.
Bà Dương Thị Lưu, Chủ tịch UBND phường Lương Sơn thông tin: Sau khi xuất hiện các ổ dịch ở các tổ dân phố Sau, Tân Trung, Na Hoàng và Tiến Bộ, chúng tôi đã lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên tuyến đường Lương Sơn nối với Quốc lộ 37 để phun khử khuẩn và kiểm soát việc vận chuyển động vật. Ngoài ra, phường còn thành lập các tổ kiểm tra lưu động để giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; nghiêm cấm việc buôn bán lợn bệnh, ốm, chết ra khỏi vùng dịch.
Đối với các hộ chăn nuôi gia cầm, công tác phòng dịch cũng được bà con đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Hợp tác xã gà đồi Đông Thịnh, xã Tân Khánh (Phú Bình) chia sẻ: Chúng tôi đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của cơ quan chức năng như: Vệ sinh khu vực chuồng trại và phun khử trùng tiêu độc hàng tuần, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định. Cùng với đó, bà con cũng tăng cường khâu chăm sóc nuôi dưỡng, bổ sung các chế phẩm sinh học để tăng sức đề kháng cho đàn gà.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở huyện Định Hóa và T.X Phổ Yên, với tổng số gia cầm phải tiêu hủy là trên 10.600 con. Còn bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở 6 huyện, thành, thị, với số lợn buộc tiêu hủy là trên 420 con, tổng trọng lượng gần 30 tấn. Trước nguy cơ dịch bệnh có khả năng lây lan ra diện rộng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, người chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập các đoàn đi kiểm tra thực tế, đánh giá công tác phòng, chống dịch tại cơ sở.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, thu gom động vật, các sản phẩm từ động vật. Cùng với đó, phối hợp với các địa phương trên địa bàn hướng dẫn bà con thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi; tiêu hủy lợn, mắc bệnh, nghi mắc bệnh theo đúng quy định; tuyệt đối không vứt xác động vật chết ra ngoài môi trường. Hiện nay, mặc dù tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở các địa phương đã tạm thời ổn định nhưng chúng tôi vẫn khuyến cáo các hộ chăn nuôi tuyệt đối không được chủ quan.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, trong thời gian tới, các dịch bệnh như: Cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên trâu bò... có khả năng phát sinh cao do thời tiết chuyển lạnh, sức đề kháng của vật nuôi giảm. Thêm vào đó, dịp cuối năm, hoạt động kinh doanh động vật, sản phẩm từ động vật thường tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Trong tình hình đó, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin vẫn được cho là biện pháp tối ưu để nâng cao hệ thống miễn dịch cho đàn gia súc, gia cầm. Cùng với đó, bà con cũng cần thực hiện tốt khuyến cáo của ngành chức năng trong phòng chống dịch, đó là: Không giấu dịch; không bán chạy gia súc, gia cầm mắc bệnh; không vứt xác và chất thải động vật ra môi trường; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; thực hiện kê khai, khai báo chăn nuôi đầy đủ theo quy định.