“Đánh thức” đất để “nuôi” ấm no

06:43, 01/12/2021

Từ nhiều năm nay, việc sử dụng đất sản xuất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả đã trở thành một phong trào sôi nổi đối với nông dân xã Vô Tranh (Phú Lương). Hầu hết các triền dốc, khe đồi trên địa bàn đều được người nông dân cải tạo, chuyển đổi sang trồng chè, cho hiệu quả kinh tế cao. Tư duy năng động trong sản xuất đã mang lại cho người nông dân Vô Tranh một cuộc sống no ấm, đủ đầy hơn.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vô Tranh Nguyễn Xuân Lợi tự hào: Vùng đất Vô Tranh nổi tiếng nhờ có sản phẩm chè. Mà cây chè trở nên có thương hiệu đều nhờ vào đôi bàn tay tài hoa của người nông dân. Minh chứng là thông qua các lần tỉnh tổ chức festival trà, bà con tham dự và đoạt nhiều giải Vàng, như giải Bàn tay Vàng, cup Vàng về Văn hoá trà, giải Nhất về kỹ thuật chế biến chè. Hiện địa phương có hàng chục sản phẩm chè khác nhau, nhưng cơ bản vẫn là chè xanh móc câu có giá bán từ 200-300 nghìn đồng/kg.

Xã Vô Tranh hiện có 630ha đất trồng chè, năng suất đạt 127 tạ/ha, sản lượng ổn định ở mức 7.410 tấn chè búp tươi/năm. Mỗi năm, cây chè mang lại cho cư dân ở đây số tiền hơn 370 tỷ đồng. Hộ ít thì thu trên 100 triệu đồng/năm, nhiều hộ thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên/năm nhờ cây chè.

Để minh chứng, ông Chủ tịch Hội Nông dân xã dẫn chúng tôi đến thăm nương chè của gia đình bà Nguyễn Thị An, xóm Trung Thành 1. Bà An kể, trước đây bãi chè này là một đám đất chua phèn, cấy lúa, trồng màu đều cho năng suất thấp, nên gia đình tôi san lấp, cải tạo đất để trồng chè. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật do cán bộ khuyến nông hướng dẫn, chè phát triển tốt. Từ 5 năm trở lại đây, diện tích chè này cho thu hoạch đạt gần 1 tạ chè búp khô/lứa, mỗi năm thu 7 lứa, tương đương số tiền gần 200 triệu đồng.

Ông Nguyễn Xuân Lợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vô Tranh (đứng giữa) trò chuyện với bà con về kỹ thuật chăm sóc cây chè.

Có mặt ở đó, ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng xóm Trung Thành 1 so sánh: Với số tiền này có thể mua được 10 tấn gạo bao thai loại ngon theo thời giá hiện tại. Còn nếu để đất cấy 1 vụ lúa hoặc  trồng sắn trên gò dốc, thu hoạch mỗi năm quy ra chắc chỉ được vài tạ thóc.

Ông Hà cũng là một trong những nông dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến chè ở Vô Tranh. Từ mấy năm trước, gia đình ông đã chuyển đổi 10 sào đất trũng chua phèn trong khe đồi sang trồng chè. Nhưng để trồng được chè, ông Hà phải đầu tư hàng chục triệu đồng thuê máy cơ giới san ủi, chuyển đất từ gò cao xuống chỗ thấp, cải tạo mặt bằng phù hợp cho cây chè phát triển. Nhờ vậy, nhiều năm nay, gia đình ông thu hái, chế biến được gần 2 tấn chè búp khô/năm, tương đương thu nhập khoảng 500 triệu đồng. 

Xã Vô Tranh có hiện 25 xóm, với hơn 2.500 hộ. Nhiều cư dân của xã là người từ các tỉnh miền xuôi lên khai hoang, mở đất phát triển kinh tế. Quá trình sản xuất, bà con nghiệm ra, muốn thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất là tự đầu tư cải tạo đất, chuyển đổi từ trồng cây vườn tạp sang trồng chè. Nhất là ở các chân ruộng bị khe đồi ép lại, cây trồng có thời gian quang hợp ánh sáng thấp, một số hộ đã tự thuê máy cơ giới về san hạ độ dốc cao, lấy đất lấp sang chân ruộng trũng liền kề.

Bằng cách này, nhiều hộ nông dân sở hữu được khu đất bằng phẳng, phù hợp cho cây chè phát triển. Ngay như ở xóm Trung Thành 1, có 105 hộ thì từng đó hộ chuyển đất vườn tạp có giá trị kinh tế thấp sang trồng chè. Tương tự, hầu hết nông hộ trong xã Vô Tranh đều mạnh dạn chuyển đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng chè. Hộ ông Đinh Quốc Văn, Bí thư chi bộ Việt Hưng là một minh chứng. Gần như toàn bộ diện tích đất chè của gia đình ông hiện nay là vùng đất trũng chua phèn trước đây.

Ông Văn cho biết: Với gia đình tôi, cây chè mang lại lợi ích kinh tế cao gấp 10 lần so với những cây trồng đã từng trồng trước đây, trên cùng diện tích. Hiện gia đình tôi thu hoạch được 2,1 tấn chè búp khô/năm, chủ yếu là chè Kim Tiên, Phúc Vân Tiên và Bát Tiên sản xuất theo quy trình VietGAP, giá bán 300 nghìn đồng/kg, cao hơn so với giá chè bình quân của bà con trong vùng 50 nghìn đồng/kg.

Nhìn lại những nỗ lực của nông dân địa phương trong việc "đánh thức" những mảnh đất cằn, ông Lợi tự hào: Từ 10 năm gần đây, nông dân Vô Tranh không còn bỏ đất cho cây vườn tạp. Các triền đồi dốc, dễ xói mòn được hạ thấp độ cao. Các khe trũng, thiếu nắng được tôn lên dành chỗ cho cây chè. Bằng sức lao động của mình, bà con đã cải biến một vùng đất nghèo trở nên trù phú.