Dấu ấn trong tăng trưởng tín dụng

09:29, 28/12/2021

Mặc dù mới hết tháng 11, nhưng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tăng 12,63% so với cuối năm 2020, vượt 0,63% so với kế hoạch cả năm UBND tỉnh đề ra và cao hơn tăng trưởng tín dụng toàn Ngành. Cùng với đó, nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 1%/tổng dư nợ... Những kết quả nổi bật này cho thấy, rất nhiều giải pháp đã được ngành Ngân hàng tỉnh triển khai trước những khó khăn mà đại dịch COVID-19 gây ra.

Quyết liệt các giải pháp

Có thể nói, năm 2021 tiếp tục là năm mà tình hình kinh tế quốc tế và trong nước gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, đối với Thái Nguyên, nhờ thực hiện tốt nhiệm vụ kép “vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định sản xuất, kinh doanh” nên hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp được giảm thiếu đáng kể những tác động. Nhờ đó, các chỉ tiêu kế hoạch trên địa bàn duy trì được đà tăng trưởng tích cực; các chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội được triển khai kịp thời, bảo đảm ổn định đời sống người dân. Đây là điều kiện thuận lợi, quan trọng giúp hoạt động ngân hàng trên địa bàn có mức tăng trưởng hai con số.

Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh  tỉnh chia sẻ: Bám sát chỉ đạo điều hành của Thống đốc NHNN và Tỉnh ủy, UBND tỉnh, NHNN Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thực hiện mở rộng tín dụng ngay từ đầu năm để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; góp phần hạn chế tín dụng đen, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Đồng thời, hạn chế tối đa nguồn vay đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, vàng, ngoại tệ - những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro.

Kết quả nổi bật

Với các giải pháp thiết thực từ NHNN, đặc biệt là sự nỗ lực, năng động từ các TCTD trên địa bàn nên dư nợ tín dụng tăng ngay từ những ngày đầu năm và tăng đều qua các tháng. Nợ xấu tiếp tục duy trì ở tỷ lệ thấp, với 671 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,95%/tổng dư nợ.

Toàn tỉnh hiện có 34 tổ chức tín dụng, trong đó có 28 ngân hàng, 3 quỹ tín dụng nhân dân và 1 tổ chức tài chính vi mô. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh Thái Nguyên.

Đặc biệt, triển khai Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ và các Thông tư của NHNN, đã có 16 ngân hàng thương mại có thị phần tín dụng lớn đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay các khoản dư nợ hiện hữu đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, với mức giảm từ 0,5-1,5%/năm, thời gian áp dụng từ 15/7/2021 đến cuối năm 2021. Lũy kế từ đầu năm 2021 đến hết tháng 11, các TCTD đã miễn giảm lãi vay với dư nợ là 2.359 tỷ đồng, cho 2.899 khách hàng, số lãi được miễn giảm là 1,4 tỷ đồng; cơ cấu thời hạn trả nợ và tạm thời giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ là 6,5 nghìn tỷ đồng, cho 2.203 khách hàng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi đạt doanh số trên 44,6 nghìn tỷ đồng, với 4.584 khách hàng còn dư nợ.

Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện giải ngân cho 7 đơn vị, doanh nghiệp để trả lương hợp đồng ngừng việc cho 520 lao động, với số tiền trên 2 tỷ đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và thực hiện giảm 10% lãi suất cho trên 83 nghìn khách hàng còn dư nợ từ tháng 10 đến tháng 12/2021 theo Quyết định số 1990/QĐ-TTg.

Nhằm giúp hộ gia đình có thành viên là người có công với cách mạng thoát nghèo, trong năm, NHNN Chi nhánh tỉnh đã trao 13,2 triệu đồng tiền mặt và một số vật dụng thiết yếu hỗ trợ gia đình bà Nguyễn Thị Thủ, xóm Khuôn 2, xã Phục Linh (Đại Từ).

Và những định hướng

Năm 2022 trước bối cảnh nền kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, khiến nợ xấu tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng... theo ông Bùi Văn Khoa: NHNN Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục bám sát mục tiêu, định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh để triển khai kịp thời các giải pháp về tiền tệ, tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, chỉ đạo các TCTD thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Tập trung nguồn vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, như: Phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới; tăng cường các hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; làm tốt công tác xử lý rủi ro; đồng thời, cũng chú trọng thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của NHNN đối với các TCTD trên địa bàn…

Tính đến 30/11/2021, dư nợ cho vay đối với nền kinh tế toàn tỉnh đạt 70.378 tỷ đồng; ước đến cuối tháng 12 đạt 70.900 tỷ đồng, tăng 13,46%;  huy động vốn đạt 84.162 tỷ đồng, tăng 13,43%; ước đến cuối tháng 12 đạt 85.000 tỷ đồng, tăng 14,56% (so với cuối năm 2020).