Nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất vụ xuân năm 2022 của bà con nhân dân trong tỉnh, hiện nay, các công ty, đại lý vật tư nông nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng khá dồi dào, đảm bảo chất lượng. Cùng với đó, ngành chức năng cũng đang phối hợp với các địa phương vận động bà con chủ động nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, tận dụng mọi nguồn nước để phục vụ sản xuất theo đúng khung thời vụ.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, vụ xuân năm 2022, ở khu vực Bắc Bộ ít mưa và lượng mưa cũng ở mức thấp hơn từ 10-25% so với trung bình nhiều năm. Nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước dẫn tới các hồ chứa lớn trên thượng lưu sông Hồng tiếp tục xảy ra từ tháng 11-2021 đến tháng 4-2022. Do vậy, nguồn nước đến các hồ chứa lớn và trên các lưu vực sông ở khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt từ 30-50%.
Trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đang quản lý 197 công trình. Hiện nay, mặc dù mùa mưa đã kết thúc nhưng ở một số hồ chứa nhỏ trên địa bàn, lượng nước chưa đạt 50% dung tích thiết kế. Có thể kể đến một số hồ như: Thẩm Ngược, Suối My (Định Hoá); Núi Trẽ (T.X Phổ Yên); Ao Sen (Đại Từ); Hố Cóc, Bạch Thạch, Đèo Khê, La Đao, Ao Hang (Phú Bình); Kim Cương, Trại Đèo, Cây Thị, Đá Bạc (Đồng Hỷ); Thâm Quang, Khe Cuồng, Khe Ván (Phú Lương)...
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Thiêm, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên cho biết: Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc phân công cán bộ, tăng cường kiểm tra; lập kế hoạch trữ nước, tháo nước hợp lý, tránh thất thoát và chỉ được tháo nước cho sản xuất nông nghiệp, không tháo nước phục vụ bất kỳ mục đích nào khác. Đối với các hồ chứa nhỏ là những công trình có lưu vực nhỏ, ít lượng sinh thủy dễ xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ, Công ty yêu cầu các đơn vị chủ động tích trữ nước. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo bà con nông dân lấy nước tập trung cùng thời gian theo lịch gieo cấy của ngành Nông nghiệp để tận dụng hết nguồn nước, không bị lãng phí.
Để đảm bảo nước tưới cho trên 9.000ha đất lúa và cây hàng năm, cuối năm 2021, huyện Phú Bình đã đầu tư hơn 14,2 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa 11 tuyến kênh mương. Trong ảnh: Tuyến kênh mương dài 320m thuộc xóm Nam 1, xã Úc Kỳ được xây mới. (Ảnh: T.L)
Thời điểm này, bà con nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đang tập trung máy móc, phương tiện và nhân lực ra quân nạo vét các tuyến kênh mương, khơi thông hệ thống kênh dẫn của trạm bơm; củng cố bờ vùng, bờ thửa để giữ nước mặt ruộng cho việc làm đất vụ xuân.
Trong khi các địa phương đang tập trung ra quân làm đất, nạo vét kênh mương thuỷ lợi, cải tạo đồng ruộng, thì các đơn vị, công ty cung ứng giống, phân bón, vật tư nông nghiệp cũng đang khẩn trương chuẩn bị nguồn hàng, phương tiện để cung cấp cho người dân sản xuất vụ xuân. Ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản cho hay: Để phục vụ cho sản xuất vụ xuân, Trung tâm đã cung ứng hơn 100 tấn giống các loại, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.
Còn tại Công ty CP Vật tư nông nghiệp Thái Nguyên, đơn vị cũng đã cung ứng hơn 30 nghìn tấn phân bón và trên 30 tấn thóc giống các loại tới 200 cửa hàng, chi nhánh trên địa bàn 9 huyện, thành, thị. Ông Đỗ Xuân Hiền, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty thông tin: Để tránh tình trạng đẩy giá vào thời điểm chính vụ, tại các cửa hàng của Công ty đều có bảng niêm yết công khai giá bán. Ngoài ra, nhân viên của chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, bón phân theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng để hạn chế tình trạng bón phân vô tội vạ, gây lãng phí.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, vụ xuân năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 28.100ha lúa (giảm 1.700ha so với kế hoạch vụ xuân năm 2021), phấn đấu năng suất đạt 55,8 tạ/ha, sản lượng đạt trên 157.000 tấn. Nguyên nhân diện tích gieo cấy giảm là do một số diện tích đất bị thu hồi phục vụ các dự án phát triển công nghiệp - dịch vụ, 1 phần do người dân chuyển đổi mục đích sử dụng sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm.
Về khung thời vụ, đối với trà xuân trung (chiếm 2-3% diện tích), ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con gieo mạ từ ngày 15 đến 25-12, cấy từ ngày 15 đến 30-1, sau khi cây mạ được 3-4 lá. Còn trà xuân muộn (chiếm từ 97-98% diện tích), bà con gieo mạ xung quanh tiết “Lập Xuân”, ngày 4/2/2022 (tức ngày 4/1 Âm lịch) và cấy tập trung từ ngày 10 đến 25-2 khi mạ được 2,5-3 lá. Toàn tỉnh phấn đấu kết thúc gieo cấy lúa vụ xuân trong tháng 2.
Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Đức Nghĩa, Trưởng phòng Trồng Trọt, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật khuyến cáo: Việc gieo trồng đúng khung thời vụ nhằm đảm bảo lúa trỗ gặp thời tiết thích hợp, tránh rét muộn khi lúa trỗ; đồng thời, tạo điều kiện cho việc triển khai sản xuất vụ mùa sớm để gieo trồng vụ đông. Vì thế, bà con cần căn cứ vào thời gian sinh trưởng của từng giống, bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp để lúa trỗ từ ngày 5 đến 20-5, trong đó trỗ tập trung từ ngày 10 đến 15-5.
Với sự chuẩn bị chu đáo về giống, phân bón, nước tưới, ngành Nông nghiệp và bà con nông dân trong tỉnh phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu về diện tích, năng suất, sản lượng theo kế hoạch đã đề ra. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững.