Với sự tự tin, bản lĩnh cùng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Đỗ Gia Hòa, sinh năm 1995, Bí thư Chi đoàn tổ dân phố Cổ Rồng, thị trấn Đình Cả (Võ Nhai) đã phát triển thành công mô hình chăn nuôi dựa vào tiềm năng sẵn có của địa phương. Hiện, anh Hòa đang sở hữu trang trại chăn nuôi gà thịt thương phẩm chất lượng cao với quy mô 30.000 con/năm.
Trang trại chăn nuôi gà của anh Hòa nằm bên dòng suối Lũ, được bao bọc bởi những triền núi, khí hậu mát mẻ. Sớm nhận thấy tiềm năng về đất đai, khí hậu ở khu vực này nên sau nhiều năm sinh sống, học tập ở Quảng Nam và Đà Nẵng, năm 2019, anh Hòa trở về quê hương và quyết tâm xây dựng trang trại chăn nuôi. Anh đã mạnh dạn vay họ hàng, ngân hàng số vốn gần 1 tỷ đồng để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà có diện tích 1.500m2. Anh chọn nuôi giống gà Mía và gà Ri lai, vì: "Đây là những giống gà khoẻ mạnh, có chất lượng thịt ngon, nuôi lại tốn ít thức ăn, phù hợp với thị hiếu người dân trong khu vực". Anh Hòa nói.
Theo đó, anh hoạch toán chi phí mỗi con giống sẽ dao động từ 10-15 nghìn đồng/con; cám chăn nuôi 11-13 nghìn đồng/kg; nuôi được 3-4 lứa gà/năm; mỗi lứa nuôi 100 ngày là đủ điều kiện xuất bán (tuỳ từng thời điểm). Trang trại chăn nuôi của gia đình anh được bố trí khoa học và bảo đảm an toàn chăn nuôi theo đúng quy trình (thống máng ăn tự động, làm mát, điện chiếu sáng…). Hằng ngày, công việc của anh Hòa là kiểm tra tình trạng sức khoẻ đàn gà, mức độ an toàn và các chỉ số môi trường (tốc độ gió, chất lượng không khí, độ ẩm, nhiệt độ), cho gà ăn đúng giờ, đủ nước uống.
Anh Hòa chia sẻ: Công việc chăn gà thường sẽ vất vả và tốn nhiều thời gian, nhất là lúc gà con từ 1-15 ngày tuổi. Vì đây là thời điểm quan trọng nhất trong quy trình chăn nuôi, có ảnh hưởng lớn tới năng suất và sản lượng của cả lứa gà. Trong quá trình chăn nuôi, tôi cũng áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín do công ty thức ăn chăn nuôi hướng dẫn nên đàn gà lớn nhanh, không bị dịch bệnh lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Anh cũng cho biết thêm: Người chăn nuôi đôi khi cũng sẽ gặp rủi do không lường trước được như dịch bệnh, hay chỉ cần mất điện, gà có thể bị nóng, ngạt thở mà chết. Để khắc phục rủi ro do sự cố mất điện, tôi đã chế tạo ra hệ thống báo động tại trang trại. Hệ thống sẽ tự động phát còi báo động khi xảy ra mất điện. Ngoài ra, tôi cũng đã học xong bằng trung cấp thú y để có thêm kiến thức trong chăn nuôi trang trại.
Nhờ vậy, đàn gà của gia đình anh Hòa luôn phát triển khỏe mạnh, ít bị bệnh dịch và sản lượng, chất lượng thịt đạt cao. Vừa qua, anh Hòa đã cho xuất chuồng lứa gà cuối năm với sản lượng lên đến 21 tấn gà thương phẩm, lợi nhuận thu được 170 triệu đồng. Nhờ triển khai mô hình hiệu quả, hiện nay, anh đã tạo việc làm ổn định cho các thành viên trong gia đình và 3-4 lao động thời vụ tại địa phương với mức thu nhập 600 nghìn đồng/người/ngày.
Nói về những dự định trong tương lai, anh Hòa bộc bạch: Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô trang trại, xây dựng quy trình khép kín chế biến, đóng gói thành phẩm. Tôi muốn cùng bà con nông dân thay đổi phương thức chăn nuôi, tiến đến phát triển chăn nuôi theo hướng sạch, an toàn, giúp người dân tăng thu nhập, vươn lên làm giàu. Chăn nuôi với quy mô lớn và theo quy trình khép kín sẽ giúp người chăn nuôi nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định được giá cả và đầu ra sản phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh…