Ngày 10-12, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác khuyến công và trao giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp Quốc gia lần thứ IV. Tham dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đại diện lãnh đạo Sở Công thương và các đơn vị liên quan.
Năm 2021, Chương trình khuyến công Quốc gia và Chương trình khuyến công địa phương đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, từ đó khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, cơ sở CNNT duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn.
Trong năm, hoạt động khuyến công trên cả nước đã hỗ trợ 739 cơ sở ứng dụng máy móc tiên tiến và tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào các khâu sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường; hỗ trợ xây dựng 14 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới, thí điểm xây dựng mô hình trình diễn áp dụng giải pháp sạch hơn; hỗ trợ 5 cơ sở CNNT sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường. Kinh phí khuyến công thực hiện chương trình là 166,27 tỷ đồng, ước đạt 93,26% kế hoạch năm.
Đối với Thái Nguyên, thực hiện Chương trình khuyến công năm 2021, tỉnh đã hỗ trợ chuyển giao 28 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị; công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu và tuyên truyền, với tổng kinh phí trên 4,3 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, Bộ Công Thương đã triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 và những năm tiếp theo, tập trung vào các nội dung: Tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cấp, ngành trong chỉ đạo, phối hợp, triển khai các hoạt động khuyến công; nâng cao chất lượng khảo sát, xây dựng đề án khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường nguồn vốn từ ngân sách để tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở CNNT tiếp cận cơ hội phát triển kinh tế số…
Nhân dịp này, 75 tập thể, 112 cá nhân đã được nhận Bằng khen của Bộ Công Thương vì có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến công giai đoạn 2014-2020 (trong đó, Thái Nguyên có 1 tập thể và 2 cá nhân); 200 sản phẩm được trao Chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp Quốc gia lần thứ IV năm 2021 (Thái Nguyên có 6 sản phẩm).