Khuyến công - Tạo sức hút cho công nghiệp nông thôn

06:49, 18/12/2021

Từ nguồn hỗ trợ khuyến công triển khai qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương), thời gian qua, nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có điều kiện cải tiến công nghệ, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, trong năm 2021, nguồn hỗ trợ này càng trở nên quan trọng, góp phần giúp các cơ sở tối ưu hóa hoạt động sản xuất trong tình hình khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Với vùng nguyên liệu rộng 30ha, trung bình mỗi ngày, Hợp tác xã (HTX) chè La Bằng (Đại Từ) sản xuất được 3 tạ chè búp khô. Tuy nhiên, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến sản lượng tiêu thụ của HTX bị giảm tới 40%. Trước tình hình đó, HTX đã đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tìm cách cải tiến công nghệ nhằm tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm chi phí.

Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc HTX chè La Bằng cho biết: Sau khi chúng tôi đề nghị, năm 2021, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã hỗ trợ để đơn vị ứng dụng 2 máy sao chè bằng gas và 1 máy đóng gói trà tự động vào sản xuất. Những thiết bị này đã góp phần giúp HTX thay đổi quy trình công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đặc biệt là giảm đáng kể chi phí sản xuất.

Năm 2021, HTX nông sản nếp Vải Ôn Lương (Phú Lương) cũng được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp xây dựng đề án hỗ trợ ứng dụng thiết bị trong chế biến nông sản. Hệ thống thiết bị (gồm các máy: Rang, hút, giã, chà, đập, sàng lọc cốm) sử dụng công nghệ điều khiển điện tử, cơ khí tự động, dây chuyền khép kín liên hoàn. Nhờ đó, đã giúp các thành viên HTX nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm so với sản xuất thủ công.

Bà Hoàng Thị Hồng Tú, Giám đốc HTX nông sản nếp Vải Ôn Lương chia sẻ: Việc ứng dụng hệ thống thiết bị giúp đơn vị tăng năng suất sản xuất gấp 10 lần so với cách làm thủ công, đồng thời giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm điện năng, giảm nhân công. Đây cũng là giải pháp tối ưu để chúng tôi phát triển sản xuất trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Năm 2021, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất gỗ Thành Long, xã Trung Thành (T.X Phổ Yên) được hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc.

Các HTX nêu trên chỉ là hai trong gần 30 cơ sở được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công trong năm 2021. Trong năm, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã tổ chức triển khai thực hiện và hoàn thành 30 đề án khuyến công, trong đó có 4 đề án khuyến công Quốc gia với tổng kinh phí thực hiện 2,7 tỷ đồng và 26 đề án khuyến công địa phương với tổng kinh phí gần 3,3 tỷ đồng. Các đề án tập trung vào hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và thực hiện công tác tuyên truyền.

Trong quá trình triển khai các đề án về hỗ trợ chuyển giao ứng dụng thiết bị, Trung tâm đã khảo sát thực tế tại các cơ sở, phối hợp cùng những đơn vị liên quan kiểm tra, thẩm định và hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Khi các cơ sở đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, hoàn thành việc lắp đặt, chạy thử, sản phẩm sản xuất ra đạt yêu cầu, Trung tâm mới phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu. Qua đó, các đề án đều được triển khai hiệu quả, thành công, giúp các cơ sở nâng cao năng lực sản xuất, tăng thêm uy tín, thương hiệu trên thị trường, gia tăng được các đơn hàng có giá trị cao, tạo được nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động, duy trì phát triển bền vững.

Có thể thấy rằng, năm 2021, nguồn hỗ trợ khuyến công tiếp tục là động lực giúp các cơ sở công nghiệp phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thông tin: Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phát huy những mặt tích cực đã đạt được, thực hiện hiệu quả các đề án khuyến công, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động về công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đơn vị sẽ nỗ lực để nguồn vốn khuyến công tiếp tục là động lực giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn vượt qua khó khăn, ổn định, phát triển sản xuất, trụ vững trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.