Trong nền kinh tế thị trường, trừ số ít lĩnh vực mang tính đặc thù, có tính độc quyền, còn lại tất cả đều có sự cạnh tranh. Chính vì thế, người tiêu dùng ngày càng được hưởng lợi từ giá cả đến chất lượng sản phẩm. Lãi suất huy động của ngành Ngân hàng (NH) là một trong những sản phẩm như vậy.
Có thể nói, khoảng 20 năm trở lại đây chưa khi nào lãi suất huy động tiền gửi của các NH lại thấp như hiện nay. Nếu so với thời điểm những năm 2010-2011, khi lãi suất thực tế phổ biến ở mức 15-17%/năm và lãi suất cho vay cũng dao động từ 17-20%/năm (tùy kỳ hạn và tùy NH) thì nay cả lãi suất huy động và cho vay chỉ bằng hơn 1/3.
Nguyên nhân chủ yếu là do những năm gần đây lạm phát ở mức thấp nên gửi tiền mặt dù lãi suất thấp nhưng vẫn thực dương. Thực tế này khiến ngành NH đang trong tình trạng dư vốn. Dù vậy, việc huy động vốn giữa các NH vẫn có sự cạnh tranh nhất định.
Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NH Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh: Huy động vốn là một trong những hoạt động không thể thiếu của các NH. Kể cả khi NH dư vốn thì họ vẫn thực hiện huy động nhằm giữ chân khách hàng và để đảm bảo đáp ứng đủ vốn khi khách hàng có nhu cầu. Tuy nhiên, tùy theo nhu cầu thực tế từng thời điểm mà mỗi NH lại đưa ra chiến lược huy động khác nhau. Do vậy, ở bất cứ thời điểm nào cũng đều có sự cạnh tranh, chỉ có điều lãi suất càng thấp thì mức độ cạnh tranh càng nhẹ nhàng, bớt “khốc liệt” hơn.
Thực tế thị trường tín dụng nhiều năm qua cho thấy, cùng 1 kỳ hạn nhưng giữa các NH lại đưa ra mức lãi suất huy động và cho vay khác nhau. Trong đó, có thể phân ra thành 2 nhóm: Nhóm các NH thương mại Nhà nước, cổ phần Nhà nước (TMNN, CPNN, gồm: BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank) và nhóm các NH TMCP đại chúng (các NH còn lại).
Theo đó, nhóm các NHTMCP Nhà nước bao giờ cũng có mức lãi suất huy động vốn thấp hơn so với nhóm các NH TMCP đại chúng. Đơn cử như lãi suất của BIDV hiện nay, kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng đang dao động ở mức 3,1-3,4%/năm; từ 6 đến dưới 12 tháng là 4%; từ 12 tháng trở lên là 5,5%/năm (BIDV áp dụng từ ngày 10-8-2021 đến nay).
Tương tự, Vietcombank áp dụng mức lãi suất từ 1 đến dưới 6 tháng là 3-3,3%/năm; từ 6 đến dưới 12 tháng là 4%; 12 tháng là 5,5%; từ 24 đến 60 tháng là 5,3%/năm.
Còn tại Ngân hàng SHB, từ 1 đến dưới 6 tháng là 3,8-4%; từ 6 đến 13 tháng là 5,6-6,1%; cao nhất từ 24 tháng trở lên là 6,3%...
Nhìn vào bảng lãi suất này có thể thấy, ở các kỳ hạn dưới 6 tháng, sự chênh lệch giữa các NH không quá lớn, nhưng trên 6 tháng thì lại khá đáng kể, có thể chênh tới trên dưới 1,5%/năm.
Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ các NHTMCP đại chúng bao giờ cũng có mức huy động cao hơn khối NHTMCP Nhà nước là bởi họ chưa tạo dựng được thương hiệu, uy tín trên thị trường và mạng lưới bao phủ cũng hạn chế hơn nên việc huy động cũng khó khăn hơn. Vì thế, chênh lệch về lãi suất là một trong những yếu tố quan trọng để các NH này thu hút khách hàng.
Hơn nữa, do đối tượng khách hàng của các NH TMCP đại chúng chủ yếu là cá nhân vay tiêu dùng nên lãi suất cho vay cũng cao hơn hẳn các NH TMCP Nhà nước. Do đó, họ có điều kiện để huy động ở mức cao hơn.
Do lãi suất huy động giảm nên lãi suất cho vay cũng đang ở mức thấp kỷ lục. Theo đó, các lĩnh vực ưu tiên hiện chỉ là 4,5%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 5-8%/năm ở kỳ ngắn hạn; từ 7,8-9,6%/năm đối với trung và dài hạn. |
Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc NHTMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên chia sẻ: Các NHTMCP Nhà nước là công cụ hữu hiệu của NHNN trong việc thực hiện dẫn dắt thị trường tiền gửi và tiền vay. Càng trong giai đoạn khó khăn thì vai trò của khối các NH này càng được thể hiện rõ ràng, nhằm hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, đối với các NHTMCP Nhà nước, lãi suất cũng là công cụ mà NH sử dụng khi muốn gia tăng nguồn vốn. Nếu cần vốn, NH sẽ điều chỉnh tăng, kèm theo đó là các chương trình khuyến mại... Ngược lại, khi đã đủ hoặc thừa vốn, NH sẽ giảm lãi suất huy động. Ngoài yếu tố tin cậy thì sở dĩ các NHTMCP Nhà nước vẫn huy động được vốn trong khi lãi suất thấp hơn hẳn các NHTMCP là bởi các chính sách đi kèm của các NH này dành cho khách hàng. Khách hàng càng sử dụng nhiều dịch vụ thì sẽ càng được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ NH. Đối với khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp thì những ưu đãi khác mà NH dành cho họ mới là điều quan trọng và có giá trị hơn nhiều so với 1-2% lãi suất chênh lệch.
Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh tỉnh, tính đến cuối tháng 11-2021, huy động vốn toàn tỉnh đạt 84,2 nghìn tỷ đồng, trong khi dư nợ cho vay là hơn 73 nghìn tỷ đồng. Trong đó, riêng 8 chi nhánh cấp 1 của khối NHTMCP Nhà nước chiếm tới 53,8 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ 64%); số còn lại là của 26 tổ chức tín dụng khác (các NHTMCP đại chúng, các quỹ tín dụng...).
Những số liệu trên cho thấy, lãi suất trong huy động chỉ là một yếu tố cạnh tranh giữa các NH và hiện lượng vốn huy động trên địa bàn đang nhiều hơn cả chục nghìn tỷ đồng so với dư nợ cho vay.