Thân thiện, đồng hành, hỗ trợ kịp thời… là những cụm từ mà chúng tôi được nghe nhiều từ lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) khi nhận xét về môi trường đầu tư của tỉnh hiện nay. Tuy nhiên, đòi hỏi ngày càng cao từ phía các nhà đầu tư, cũng như sự cải thiện ngày một tích cực từ chính các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh lân cận đang đặt ra cho Thái Nguyên yêu cầu tiếp tục làm tốt hơn công tác này.
Ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Điện tử Quang Thái (T.P Thái Nguyên) tâm đắc: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã tập trung vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), nhất là trong quản lý nhà nước về thuế, cấp phép đầu tư kinh doanh, cung cấp dịch công trực tuyến... Qua đó đã rút ngắn thời gian, chi phí cho các DN. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã có rất nhiều nỗ lực trong đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các gói đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, giúp DN có thêm việc làm, nhất là trong bối cảnh khó khăn của dịch COVID-19. Dù vậy, trên 90% DN tại tỉnh có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ nên rào cản phát triển trong tiếp cận, chuyển đổi, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn rất lớn. Vì thế, chúng tôi mong tỉnh tiếp tục quan tâm, có thêm nhiều chính sách hỗ trợ DN về chuyển đổi số trong quản trị DN; đào tạo nguồn nhân lực với các DN có vốn đầu tư nước ngoài; hỗ trợ vốn, kiến thức để tiếp cận khoa học, công nghệ...
Còn ông Nguyễn Hải Trung, Trưởng Ban phát triển Dự án của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Yên Bình chia sẻ: Trong quá trình triển khai dự án, chúng tôi luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền. Tuy vậy, công tác giải phóng mặt bằng còn chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa đồng thuận với giá bồi thường; cùng với đó là việc triển khai các dự án tái định cư của địa phương cũng không đảm bảo tiến độ do thiếu vốn. Vì thế, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành có giải pháp quyết liệt hơn trong công tác này.
Cũng liên quan đến vấn đề đất đai, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch thứ nhất Hiệp hội DN tỉnh phân tích: Mặc dù chỉ số tiếp cận đất đai năm 2020 của tỉnh khá ấn tượng, với 6,68 điểm (tăng 0,61 điểm so với năm 2019), nhưng DN vẫn mong muốn chỉ số này có bước đột phá hơn nữa. Bởi đây vẫn là rào cản lớn nhất hiện nay với DN. Để làm được điều này, chúng tôi nghĩ tỉnh cần tiếp tục có những CCTTHC liên quan đến đất đai và xây dựng cơ bản; có cơ chế, chính sách hỗ trợ linh hoạt, đồng hành với DN trong thực hiện các dự án có liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng...
Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo.
Ở một góc độ khác, ông Võ Tiến Dũng, Giám đốc Đối ngoại, Cộng đồng và Môi trường, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo trăn trở: Dịch COVID-19 kéo dài khiến nhiều DN bị lao đao, kiệt quệ. Vì thế, thời gian tới, tỉnh cần đẩy nhanh hơn tiến độ tiêm vắc-xin cho người lao động; tiếp tục làm tốt việc giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng để thị trường “ấm lên”; triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với DN bị ảnh hưởng do dịch...
Ngoài ra, cộng đồng DN còn mong muốn tỉnh sẽ làm tốt hơn công tác tuyên truyền, tư vấn pháp lý cho DN. Công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng cần chặt chẽ hơn để tránh trùng lặp; sớm ban hành chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương để nâng cao tính năng động, sáng tạo của từng đơn vị…
Nhìn vào điểm số và bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong những năm qua thì điều dễ nhận thấy là có nhiều điểm số thành phần của tỉnh vẫn ở vị trí thấp. Gần đây nhất là năm 2020, trong khi PCI của tỉnh xếp thứ 11 thì vẫn còn tới 5 chỉ số đứng ở vị trí từ 31 đến 45. Cụ thể: Tiếp cận đất đai (31); tính minh bạch và tiếp cận thông tin (32); chi phí thời gian (34); dịch vụ hỗ trợ DN (43); cạnh tranh bình đẳng (45).
Trước đó, năm 2016, tỉnh đứng vị trí thứ 7 về chỉ số PCI trên cả nước nhưng đến năm 2017, 2018 lại lần lượt xếp thứ 15 và 18; tiếp đó năm 2019, 2020 lên vị trí 12, 11. Qua đây có thể thấy, Chỉ số PCI của tỉnh chưa mang tính bền vững nên rất cần có những giải pháp quyết liệt hơn để tỉnh có thể nâng hạn, thậm chí chỉ là trụ hạng.
Xuất phát từ thực tế nêu trên nên tại Kỳ họp này, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành Nghị quyết về Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, giai đoạn 2021-2025.
Trước đó, từ năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/3/2019 về việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đây là cơ sở để các ngành, các cấp xây dựng và triển khai các kế hoạch, giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước nhằm cải thiện chất lượng điều hành KT-XH; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; hướng tới mục tiêu phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, giảm thiểu các hạn chế của tỉnh về môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; hàng năm tạo được quỹ đất sạch từ 200-300ha để thu hút đầu tư…; phấn đấu đưa tỉnh Thái Nguyên duy trì trong nhóm 10 địa phương xếp hàng PCI tốt nhất trong cả nước, là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư…