Nhiều giải pháp để tăng trưởng bền vững

07:00, 30/12/2021

Cũng như hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực khác, dịch COVID-19 kéo dài suốt hai năm qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của hệ thống ngân hàng trong cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng. Đối với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) Chi nhánh Nam Thái Nguyên, tuy cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng nhờ linh hoạt thực hiện nhiều giải pháp nên đơn vị đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao, từ huy động vốn đến tăng trưởng tín dụng, thu nợ, thu lãi…

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lập, Giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Thái Nguyên chia sẻ: Hoạt động của hệ thống ngân hàng gắn bó mật thiết và chịu tác động trực tiếp từ “sức khỏe” của nền kinh tế. Tuy nhiên, so với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh trực tiếp, sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với ngành Ngân hàng có độ trễ hơn. Nhưng cũng chính vì điều này nên trong năm 2021, những khó khăn do ảnh hưởng của dịch đối với Ngành càng trở nên rõ rệt hơn so với năm trước. Cùng với đó, diễn biến dịch kể từ tháng 4-2021 đến nay ngày càng trở nên phức tạp, đáng lo ngại. Vì thế, nhiều khách hàng của Chi nhánh là doanh nghiệp, hộ kinh doanh rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, dẫn đến hạn chế sử dụng vốn, thậm chí không có nhu cầu vay vốn; có khách hàng còn gửi vốn vào ngân hàng để hưởng lãi. Ngược lại, cũng có khách hàng cần vốn nhưng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao... Trước thực trạng này, làm thế nào để vừa tăng trưởng được dư nợ cho vay vừa bảo đảm chất lượng tín dụng luôn là điều mà Ban lãnh đạo Chi nhánh trăn trở, chủ động tìm lời giải.

Để giải quyết những khó khăn trên, trước hết, Agribank luôn kịp thời nắm bắt đầy đủ các chủ trương, định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh cũng như thực tế hoạt động, mức độ chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của các khách hàng để linh hoạt điều hành, kịp thời áp dụng các biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng. Theo đó, trong năm, Chi nhánh đã thực hiện cơ cấu nợ cho 177 khách hàng, với dư nợ 63,7 tỷ đồng; miễn, giảm lãi phí cho trên 20 nghìn khách hàng, với tổng dư nợ gần 5 nghìn tỷ đồng; cho vay lãi suất ưu đãi 130 khách hàng, với tổng dư nợ lũy kế 987 tỷ đồng…

Cùng với đó, Chi nhánh tiếp tục chú trọng đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, tín dụng; quan tâm cải cách thủ tục hành chính để khách hàng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng nhanh chóng, thuận lợi nhất. Đơn cử như, nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế các tối đa các giao dịch trực tiếp tại quầy, Chi nhánh đã tăng cường triển khai các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm: Chuyển tiền qua Intenert Banking, Agribank E-Mobile banking, SMS Banking; mở tài khoản tiền gửi trực tuyến; gửi tiền tiết kiệm trực tuyến; thu lãi tự động qua tài khoản; đẩy mạnh cấp hạn mức thấu chi qua tài khoản thanh toán, đặc biệt là thấu chi qua thẻ theo Đề án Phát triển dịch vụ thẻ tại địa bàn nông nghiệp nông thôn; sử dụng ví điện tử, ủy quyền cho Ngân hàng thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, cước viễn thông, học phí... Toàn bộ phí chuyển tiền trên kênh ngân hàng điện tử, phí mở tài khoản thanh toán, thanh toán hóa đơn... đã được Agribank miễn cho khách.

Với dư nợ thường xuyên ở mức gần 6 tỷ đồng, trong năm 2021, hộ kinh doanh của anh Nguyễn Công Tuấn, tổ dân phố 1, thị trấn Hương Sơn đã được Agribank Chi nhánh huyện Phú Bình thường xuyên quan tâm, hỗ trợ tối đa trong giải quyết các thủ tục giải ngân và được giảm lãi suất 1%/năm...

Cùng với việc thực hiện các giải pháp mang tính chất chuyên môn, nghiệp vụ, thì một trong những yếu tố không thể thiếu để giúp Agribank Chi nhánh Nam Thái Nguyên thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch đó chính là làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh, các cơ quan chức năng và của Agribank. Chi nhánh đã chủ động từ sớm việc xây dựng các kịch bản để ứng phó với từng cấp độ dịch, cũng như thực hiện các phương án ứng phó phù hợp tại đơn vị, bảo đảm an toàn trong hoạt động giao dịch, phục vụ khách hàng.

Đồng thời, chủ động kiểm tra, giám sát việc khai báo y tế của người lao động trong đơn vị; hướng dẫn khai báo đầy đủ đối với khách hàng đến giao dịch. Chính vì thế, trong năm, mặc dù có trường hợp là F0 đến giao dịch tại Hội sở Chi nhánh nhưng chỉ ngay hôm sau, khi việc khử khuẩn được thực hiện theo quy định, thì mọi hoạt động của đơn vị đã được trở lại bình thường, không ảnh hưởng đến giao dịch của khách hàng.

Bằng các giải pháp cụ thể, thiết thực và sự nỗ lực của toàn Chi nhánh nên đến thời điểm này, cả 6/6 chỉ tiêu kinh doanh của đơn vị đã đã hoàn thành vượt mức so với kế hoạch từ 2-9%. Cụ thể, nguồn vốn huy động trong năm của Agribank Chi nhánh Nam Thái Nguyên tăng gần 1,2 nghìn tỷ (tương đương tăng gần 16%); dư nợ cho vay tăng gần 1,1 nghìn tỷ đồng (tăng 17%) so với cùng kỳ năm 2020; nợ xấu tiếp tục được duy trì ở mức thấp... Đây được xem là tiền đề quan trọng để Chi nhánh tự tin trong thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2022 và những năm tiếp theo.

Agribank Chi nhánh Nam Thái Nguyên được thành lập ngày 1/10/2019 trên cơ sở nâng cấp từ Agribank Chi nhánh T.P Thái Nguyên, là chi nhánh loại I hạng I, quản lý 3 chi nhánh loại II tại T.X Phổ Yên, T.P Sông Công, huyện Phú Bình và 5 phòng giao dịch tại T.P Thái Nguyên. Khi mới thành lập, Chi nhánh Nam Thái Nguyên được giao quản lý trên 4,4 nghìn tỷ đồng dư nợ và gần 6,2 nghìn tỷ đồng vốn huy động. Đến cuối năm 2021, tổng vốn huy động của Chi nhánh đạt 8,7 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt trên 6,4 nghìn tỷ đồng; tổng doanh thu dịch vụ năm 2021 đạt gần 29,5 tỷ đồng; nợ xấu chiếm tỷ trọng dưới 0,5 trong tổng dư nợ...