Tăng cường kiểm soát hoạt động giết mổ

06:40, 06/12/2021

Công tác kiểm soát hoạt động giết mổ động vật đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm các sản phẩm thịt tiêu thụ trên thị trường luôn đạt tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, trước tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp và dự báo nhu cầu sử dụng sản phẩm từ thịt của người dân tăng cao trong những tháng cuối năm, T.P Thái Nguyên đang chỉ đạo các phòng chuyên môn chú trọng thực hiện nghiêm việc kiểm soát hoạt động giết mổ trên địa bàn.

Là đơn vị được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, quy trình tại Công ty CP Hương Nguyên Thịnh, ở xóm Đà Tiến, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp. Sản phẩm thịt giết mổ tại đây được kiểm soát, đóng dấu của cơ quan Thú y và bảo quản đông lạnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra, trong quá trình giết mổ gia súc, gia cầm, Công ty còn thực hiện các biện pháp xử lý chất thải, sử dụng nguồn nước sạch theo quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Chị Nguyễn Thị Liễu, cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp T.P Thái Nguyên, phụ trách kiểm soát giết mổ tại cơ sở này, cho biết: Ngay từ khâu đầu vào, với vai trò của cơ quan chức năng, chúng tôi đã kiểm soát về nguồn gốc, xuất xứ, tình trạng sức khỏe của vật nuôi. Sau khi giết mổ xong, vật nuôi sẽ được đóng dấu kiểm dịch rồi mới được vận chuyển đi xuất bán.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn T.P Thái Nguyên hiện có 1 cơ sở giết mổ tập trung, 3 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và 162 hộ kinh doanh giết mổ động vật. Để kiểm soát hoạt động của các cơ sở này, T.P Thái Nguyên đã chỉ đạo các xã, phường, Ban quản lý các chợ trực tiếp theo dõi, giám sát quy trình vận hành, bố trí vị trí kinh doanh phù hợp.

Ông Ngô Danh Thùy, Trưởng Phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên thông tin: Ngoài kiểm tra thường xuyên, T.P Thái Nguyên cũng thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất tại các cơ sở về công tác vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và xử lý khi có dấu hiệu vi phạm theo quy định. Mới đây, lực lượng chức năng thành phố đã kiểm tra, xử lý 1 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tại xã Linh Sơn về hành vi vi phạm giết mổ, mua bán động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh; giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, với tổng số tiền phạt là 14 triệu đồng, buộc tiêu hủy 18 con lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Cùng với đó, T.P Thái Nguyên cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về hoạt động giết mổ động vật, kinh doanh sản phẩm động vật đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Từ năm 2018 đến nay, thành phố đã tổ chức tuyên truyền cho 780 lượt người là quản lý, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến thực phẩm có nguồn gốc từ động vật.

Ngoài ra, địa phương chỉ đạo các xã, phường tổ chức ký cam kết đối với các hộ kinh doanh động vật, sản phẩm động vật về việc chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh sản phẩm động vật. Theo đó, đã có trên 80% số hộ thực hiện, số còn lại đang tiếp tục triển khai thực hiện ký cam kết.

Ông Ngô Danh Thùy cho biết thêm: Trước đây, số hộ kinh doanh, giết mổ động vật tại lòng, lề đường trên địa bàn thành phố, nhất là khu vực chợ Túc Duyên (trên trục đường Bến Oánh) khá lớn. Việc này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm cao, ảnh hưởng đến môi trường. Vừa qua, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động các hộ chuyển địa điểm kinh doanh vào trong chợ. Theo đó, đến nay, 12 cơ sở tại khu vực đường Bến Oánh đã nghiêm chỉnh chấp hành, cơ bản không còn tình trạng giết mổ động vật dưới lòng đường, hè phố như trước.

Còn với các hộ kinh doanh, giết mổ tại chợ có quy mô lớn hơn, thành phố đang vận động đưa gia súc, gia cầm vào lò giết mổ được cấp phép. Tuy nhiên, tỷ lệ này hiện nay còn đạt thấp (chỉ chiếm 20%). Nguyên nhân là bởi nhận thức, thói quen của người tiêu dùng còn dễ dãi, chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc động vật và các khâu an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình giết mổ.

Để giải quyết tình trạng này, T.P Thái Nguyên đang rà soát, đề nghị xây dựng thêm 3 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tại xã Thịnh Đức, Phúc Trìu và Linh Sơn. Địa phương cũng huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành để ban hành chế tài buộc các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm di dời hoạt động vào cơ sở giết mổ tập trung; chỉ đạo các bếp ăn tập thể trên địa bàn chỉ sử dụng sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, có dấu kiểm soát giết mổ theo quy định...