Trong 9 giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2021 vừa được trao cho 4 đô thị, Thái Nguyên đã xuất sắc giành được 3 giải: Điều hành, quản lý thông minh; Dịch vụ công thông minh; Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Góp phần kiến tạo Việt Nam 4.0
Lễ công bố và trao giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam - Smart City Award Vietnam 2021 được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức hôm nay, ngày 18-12, tại Hà Nội. Sự kiện được phát trực tuyến trên các nền tảng số.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA cho biết: Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam hướng tới góp phần kiến tạo một Việt Nam 4.0, để đến năm 2045 Việt Nam sẽ đứng vào hàng ngũ các quốc gia phát triển. “Kinh tế đất nước trong tương lai sẽ chủ yếu dựa trên sự phát triển của các thành phố, đô thị thông minh. Chính các thành phố này cũng thể hiện cách Việt Nam tái cấu trúc để tạo ra một sự tăng trưởng bền vững”, ông Trương Gia Bình chia sẻ.
Được phát động từ ngày 30-6, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam vẫn nhận được sự quan tâm và tham gia của các tỉnh, thành phố, đô thị và cộng đồng doanh nghiệp CNTT.
Sau hơn 2 tháng triển khai, giải thưởng đã nhận được 98 đề cử từ 62 cơ quan, doanh nghiệp. Qua 3 vòng đánh giá, Hội đồng giám khảo quyết định trao 45 giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2021 và 2 Bằng khen.
4 đô thị nhận 9 giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam
Tại lễ trao giải, 1 giải thưởng xuất sắc nhất đã được trao cho thành phố Đà Nẵng. Đây là lần thứ 2 Đà Nẵng được vinh danh trong hạng mục giải thưởng cao nhất dành cho các đô thị.
Đà Nẵng lần thứ hai nhận giải xuất sắc của giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam.
Cùng với đó, Đà Nẵng còn được trao 3 giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2021 ở 3 lĩnh vực: Thành phố Điều hành, quản lý thông minh; Thành phố Y tế thông minh; Thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch.
Những năm qua, Đà Nẵng đã và đang phát triển chính quyền điện tử và thành phố thông minh dựa trên 3 trục tam giác Hạ tầng - Dữ liệu - Thông minh. Thành phố đã xây dựng các cơ sở dữ liệu nền, 560 cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý nhà nước, cổng dữ liệu mở, chatbot hướng dẫn thủ tục hành chính, dịch vụ công đã xử lý 103.000 yêu cầu.
Hệ thống giao thông và an ninh trật tự của Đà Nẵng đang kết nối 1.800 camera thành phố và hơn 34.500 camera của người dân.
Thái Nguyên cũng xuất sắc giành được 3 giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2021 trong 3 lĩnh vực: Điều hành, quản lý thông minh; Dịch vụ công thông minh; Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Tỉnh đã phê duyệt kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh vào năm 2019. Năm 2021, Trung tâm điều hành thông minh (IOC) Thái Nguyên được đưa vào sử dụng cùng với các ứng dụng công dân số C-Thái Nguyên, hệ thống phản ánh hiện trường, Hệ thống quản lý camera tập trung (VMS), giám sát giao thông, giám sát thông tin trên mạng, Tích hợp dữ liệu ngành y tế, môi trường, giáo dục, cảnh báo cháy nhanh phục vụ công tác quản lý và điều hành của lãnh đạo tỉnh.
Ứng dụng kết nối người dân Thái Nguyên với chính quyền “C-ThaiNguyen” đã có hơn 140.000 lượt tải.
Đến nay, ứng dụng công dân số C-Thái Nguyên đã có hơn 140.000 lượt tải và sử dụng. Thời gian tới, Thái Nguyên sẽ hoàn thiện hệ thống tích hợp, phân tích dữ liệu (Datamining) các ngành, các lĩnh vực trọng điểm của tỉnh.
Về dịch vụ công, từ đầu năm nay, Thái Nguyên đã hoàn thành đưa 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện (hơn 1.300 dịch vụ) lên cung cấp trực tuyến mức 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Hệ thống đã có gần 9.000 tài khoản công dân, gần 700 tài khoản tổ chức đăng ký và đã xử lý khoảng 35.000 hồ sơ trực tuyến.
Những năm gần đây Thái Nguyên được nhiều nhà đầu tư chú ý, trong đó có cả nhà đầu tư ở mảng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Các chương trình hỗ trợ, truyền thông về khởi nghiệp, kết nối đầu tư, hỗ trợ không gian làm việc chung được tỉnh triển khai bài bản. Đặc biệt, hằng năm tỉnh dành tới hơn 10 tỷ đồng cho các chương trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Ở hạng mục giải thưởng dành cho các đô thị, Ban tổ chức còn trao giải cho thành phố Sầm Sơn ở lĩnh vực điều hành và quản lý thông minh. Thành phố Lâm Đồng nhận giải Thành phố thông minh Việt Nam 2021 ở lĩnh vực du lịch thông minh. Ngoài ra, Hội đồng Giám khảo giải thưởng đã trao 2 Bằng khen cho 2 đô thị Bình Phước và Đà Lạt.
Vinh danh 36 giải pháp công nghệ số
Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2021 cũng ghi nhận sự đa dạng các dịch vụ, giải pháp công nghệ phát triển giải quyết các vấn đề của đô thị hiện đại ở hầu hết lĩnh vực. Ban tổ chức đã trao 36 giải thưởng dành cho các giải pháp công nghệ thuộc 17 hạng mục khác nhau từ chính quyền, giao thông, môi trường đến y tế, nông nghiệp, bất động sản, du lịch...
Trong đó, có 8 giải pháp được Hội đồng giám khảo bình chọn 5 sao gồm: Nền tảng trợ lý ảo Viettel Cyberbot của Trung tâm Không gian mạng Viettel; Giải pháp chiếu sáng thông minh cho đường phố trong thành phố thông minh của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông; Ứng dụng Công dân số - Citizen App của Viettel Solutions; Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ của FPT IS; Phần mềm trường học thông minh mySchool của Công ty công nghệ Bình Minh; Giải pháp tổng thể chuyển đổi số toàn diện, liền mạch, xây dựng y tế - thành phố thông minh của ISOFH; akaMES của FPT Software và giải pháp FPT Camera của FPT Telecom.