Thẻ thấu chi nông nghiệp – đồng hành cùng người dân nông thôn

07:04, 18/12/2021

Trước đây, thẻ thấu chi chỉ được biết đến dành cho những người có thu nhập ổn định, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc từ các tổ chức, doanh nghiệp… thì từ cuối năm 2019, loại thẻ này bắt đầu được biết đến tại một số vùng nông thôn. Và từ đầu năm 2021, thẻ thấu chi được triển khai trên phạm vi toàn quốc, với mức thấu chi tối đa 30 triệu đồng và mang lại nhiều tiện tích cho bà con nông dân.

Để đẩy mạnh Đề án thanh toán không dùng tiền mặt của Thủ tướng Chính phủ và tham gia tích cực trong việc đẩy lùi, hạn chế tín dụng đen trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn (NNNT), cũng như góp phần triển khai hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, cuối tháng 9-2019, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) đã triển khai thí điểm Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường NNNT. Chỉ sau một thời gian ngắn, Đề án đã được khách hàng, chính quyền địa phương các cấp đánh giá cao. Do đó, từ đầu năm 2021, Agribank đã triển khai mở rộng Đề án phát triển thẻ NNNT trên phạm vi toàn quốc.

Theo đó, đối tượng khách hàng của Đề án là người dân cư trú trên địa bàn NNNT hoặc có hoạt động sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Để khuyến khích khách hàng sử dụng, Agribank đã miễn phí phát hành thẻ; miễn phí thường niên năm thứ nhất; miễn phí lắp đặt đường truyền, trang bị POS (máy chấp nhận thẻ), phí chiết khấu cho các tổ chức, cá nhân cung ứng hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn nông thôn hoặc kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Khách hàng được cấp một hạn mức thấu chi không cần bảo đảm bằng tài sản trên tài khoản thẻ, hạn mức lên tới 30 triệu đồng với lãi suất ưu đãi.

Đánh giá cao những tác dụng mà thẻ thấu chi của Agribank mang lại, anh Dương Văn Thuần, xóm Núi, xã Xuân Phương (Phú Bình) chia sẻ: Tôi kinh doanh vật liệu xây dựng nên thường xuyên có hoạt động nhận, trả tiền và thường xuyên cần đến vốn của ngân hàng. Sử dụng thẻ thấu chi, mỗi lần vay, tôi không cần ra ngân hàng ký tá nên đỡ mất thời gian và công sức đi lại. Trong khi đó, lãi suất cũng chỉ tương đương mức vay tiêu dùng (hiện là 0,75%/tháng). Tuy nhiên, mức cho thấu chi hiện vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Tôi mong, hạn mức này sẽ tăng lên ít nhất 50-100 triệu đồng, để chúng tôi thuận lợi hơn trong kinh doanh.

Còn theo bà Nguyễn Hồng Huệ, Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Phú Lương: Thời gian đầu mới triển khai, nhiều người còn chưa mặn mà với việc thấu chi do vẫn giữ thói quen sử dụng tiền mặt, hoặc gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ hiện đại của ngân hàng. Nhưng nay, số người thường xuyên sử dụng dịch vụ ngày càng tăng, do những tiện ích của việc thấu chi mang lại. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên để hạn chế việc giao dịch, tiếp xúc trực tiếp, nhiều người chọn phương thức chuyển khoản. Cùng với đó, ngày càng có nhiều dịch vụ chấp nhận/yêu cầu thanh toán bằng thẻ. Tính đến tháng 12-2021, dư nợ thấu chi NNNT của Chi nhánh đạt 5,3 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Bách, Giám đốc Agribank Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: Thẻ thấu chi bắt đầu được 2 chi nhánh của Agribank ở Thái Nguyên triển khai tại tỉnh từ đầu năm 2020. Đến nay, Agribank vẫn là đơn vị duy nhất trong hệ thống ngân hàng cả nước triển khai loại thẻ này dành cho thị trường NNNT. Nhờ những lợi ích mà thẻ mang lại nên việc triển khai này đã nhận được sự vào cuộc, chỉ đạo sát sao của chính quyền các địa phương.

Tính đến đầu tháng 12-2021, Agribank Chi nhánh Thái Nguyên và Agribank Chi nhánh Nam Thái Nguyên đã phát hành trên 14.500 thẻ, tổng dư nợ thấu chi qua thẻ NNNT đạt hơn 42 tỷ đồng. Kết quả này cũng đã góp phần đáng kể vào việc tăng trưởng dư nợ, tăng số lượng khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ tại Agribank, cũng như giảm bớt các thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch mua bán tại địa bàn NNNT.

Có thể nói, việc triển khai và phát hành thẻ thấu chi trên địa bàn NNNT của Agribank đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả khách hàng, ngân hàng và xã hội. Đây cũng là giải pháp quan trọng giúp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của theo Nghị quyết số 01/NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 30/3/2021 của UBND tỉnh về thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.