“Trong khi nhiều nông dân bỏ ruộng, dời quê về thành phố, hoặc đến các khu công nghiệp tìm vận may đổi đời, thì ông Vi Văn Khánh, ở xóm Là Dương, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) kiên quyết “bất ly hương”. Ông đã bám ruộng làm giàu ngay chính mảnh đất quê hương, trở thành một trong những tấm gương hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện...” - ông Trần Xuân Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâu Thượng tâm đắc chia sẻ.
Đang vào những ngày cuối Đông, nhưng khu vườn của gia đình ông Khánh sáng tươi với 2 màu chủ đạo: Vàng của bưởi và ổi chín, cùng sắc xanh của cây thuốc lá. Có mặt tại vườn, ai nấy như "lây" niềm vui được mùa với một gia đình nông dân chất phác. Bằng sự cần cù chịu khó, khu vườn của ông luôn tràn đày sức sống, 4 mùa mang lại cơm no, áo ấm cho gia đình.
Tay nâng quả bưởi mọng tròn, ông Khánh rủ rỉ: Toàn bộ 250 gốc bưởi, hơn 100 gốc ổi đang cho quả trong vườn đều được tôi mua ở Trại giống cây trồng Trung ương Khoái Châu (Hưng Yên). Để vườn cây ăn quả đảm bảo sinh trưởng, phát triển tốt, tôi áp dụng trồng, chăm sóc theo đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ khuyến nông huyện, nhờ vậy tỷ lệ sống là 100%. Toàn bộ cây trong vườn đều có khả năng sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, bắt đầu cho thu hoạch quả và được bán vụ thứ 2.
Với người làm vườn như ông Khánh - đất đai là vốn liếng sinh lời. Nên việc dành đất, chọn loại cây ăn quả để trồng là cả một trăn trở lớn. Bởi mỗi cây trồng đặt xuống “tấc vàng” đều được chăm bẵm bằng cả niềm hy vọng thay đổi cuộc sống. Trò chuyện với chúng tôi, nhiều hội viên nông dân trong xã Lâu Thượng mộc mạc: Ở địa phương, ông Khánh là một trong những nông dân dám nghĩ, dám làm, tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do cơ quan chức năng tổ chức. Ông cũng là người chịu đầu tư, luôn đi đầu trong việc lựa chọn, đưa các loại cây ăn quả được địa phương khuyến khích, vận động mang trồng trên đất vườn bãi của gia đình. Nhiều loại cây trồng trên khu vườn của ông được coi là mô hình điểm của địa phương.
Nói về điều này, ông Khánh bộc bạch: Khó khăn nhất đối với người nông dân là đầu ra cho sản phẩm. “Được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa”. Trước khi trồng bưởi và ổi trên đất này, tôi đã mất hơn 20 năm để trồng các loại cây: Mơ lai, hồng không hạt, vải lấy quả… Mô hình vườn cây ăn quả của gia đình tôi thường xuyên được hội viên nông dân ghé thăm học tập, nhưng phải phá bỏ ngay sau đó ít năm vì ở địa phương có nhiều người cùng trồng. Các loại cây ăn quả đều cho sản lượng cao, song không có người ăn, đành chặt bỏ chuyển đổi sang trồng cây khác.
Ông Vi Văn Khánh (ngồi giữa) trao đổi cùng bà con nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cây thuốc lá.
Rồi ông dừng lời, nhìn ra khu vườn trước nhà. Còn tôi biết trong ông đang có một sự xáo trộn vô hình. Bởi mỗi 1 loại cây ăn quả khi đặt bầu xuống đất là gửi gắm theo bao niềm hy vọng, nên khi phải chặt bỏ sao tránh được mất mát. Ông chia sẻ: Để chắc ăn, tôi không dành hết đất của mình trồng cây ăn quả, mà để trồng cây thuốc lá truyền thống của địa phương và cấy lúa lấy lương thực nuôi sống gia đình.
Ông xăm xắn đưa chúng tôi đi giữa hàng bưởi và ổi đầy quả chuẩn bị “lên sàn” rao bán dịp Tết Nguyên đán 2022. Đến cuối vườn, ông mau mắn mở cánh cổng gỗ tạm, rồi đưa chúng tôi ra cánh đồng liền kề. Nhìn chân rạ mục ẩm, ông Khánh nói vui: “Nhất nông, nhì sĩ”, với 20 sào ruộng cấy 2 vụ, gia đình tôi gặt được 4 tấn thóc. Nhưng thóc để xát gạo ăn và phục vụ chăn nuôi, còn tiền dư chủ yếu từ cây thuốc lá. Lá thuốc có thể bán tươi, hoặc bán sau khi đã sao sấy khô cho các nhà máy. Với gần 25 sào đất trồng cây thuốc lá vụ xuân và vụ đông, do chăm sóc đúng quy trình sản xuất an toàn, tôi thu hái được gần 4 tấn/năm. Cá biệt có năm tôi thu hoạch được gần 5 tấn lá thuốc. Thóc gạo không lo ế ẩm, còn thuốc lá làm ra được người đại diện của nhà máy về thu mua, với giá ở thời điểm đầu tháng 1-2022 là 50.000 đồng/kg. Tổng thu nhập của gia đình đạt 250 triệu đồng/năm.
Không chỉ chăm lo làm giàu cho mình, ông Khánh còn tích cực giúp đỡ các hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn về kỹ năng làm vườn; vốn vay mua giống cây trồng, vật nuôi, kinh nghiệm sử dụng vốn đầu tư hiệu quả. Nhờ ông giúp đỡ, nhiều gia đình hội viên nông dân ở xã Lâu Thượng đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống kinh tế gia đình ổn định.