Hội tụ đủ hương, sắc, vị, thần, những sản phẩm chè ấy không chỉ hấp thu tinh tú của đất trời mà còn chứa đựng trong đó cả tâm huyết của người làm chè xứ Thái. Đây chính là lời lý giải, vì sao những sản phẩm chè độc đáo ấy lại có giá khủng, lên tới 2, 3 thậm chí là 5 triệu đồng/kg.
Sản xuất chè cao cấp
Dạo quanh những vùng chè nối tiếng như Tân Cương (T.P Thái Nguyên); La Bằng (Đại Từ); Trại Cài - Minh Lập và thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ)… chúng tôi cảm nhận được không khí tất bật của những người làm chè nơi đây. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, người làm chè Thái Nguyên đã sản xuất ra nhiều loại chè, từ bình dân đến cao cấp.
Chị Vũ Thị Thương Huyền, HTX chè Thịnh An, thị trấn Sông Cầu, nói: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp là vậy nhưng nhu cầu mua chè búp khô của người dân trong, ngoài tỉnh vẫn rất “nóng”. Và giá bán tùy thuộc vào phẩm cấp của mỗi loại chè. Các loại chè bình dân có giá từ 200 đến 500 nghìn đồng/kg; chè tôm nõn có giá từ 700 đến hơn 1 triệu đồng/kg; chè đinh có giá lên đến 2 hoặc 3 triệu đồng/kg.
Ở vùng chè Tân Cương, chè ngon còn có mức giá “khủng” hơn. Hầu như hộ làm chè nào cũng sản xuất chè cao cấp có giá bán từ 2,5 đến 5 triệu đồng. Anh Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc HTX chè Trung du, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên), cho biết: Chúng tôi bắt đầu sản xuất chè Đinh thượng hạng từ năm 2014 có giá bán 2,5 triệu đồng/kg; năm 2015, tôi sản xuất chè hảo hạng có tên gọi Thiên Cổ, giá bán 3 triệu đồng/kg và Tước Thiệt, giá 5 triệu đồng/kg.
Nguyên liệu để sản xuất chè thượng hạng (tôm chè) rất ít. Ví dụ như HTX chè Trung du, mỗi năm chỉ sản xuất được khoảng 200kg chè Thiên Cổ; 100 đến 120kg chè Tước Thiệt và 200 đến 250kg chè Đinh thượng hạng.
Theo chị Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Chè La Bằng (Đại Từ), nguyên liệu chọn lọc, khan hiếm; chất lượng tốt nên chè hảo hạng có giá bán “khủng” cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, để sản xuất được những loại chè thượng hạng ấy, người làm chè cũng phải trả rất nhiều “học phí” qua nhữ mẻ chè thất bại, tiêu tốn nhiều chục triệu đồng.
Hội tụ đủ hương, sắc, vị, thần
Chè đặc sản, giá khủng hầu hết được làm theo đơn đặt hàng của thượng khách ở trong, ngoài nước. Tuy nhiên, để làm được thứ chè cao cấp ấy đòi hỏi sự tinh tế của cả người sản xuất và người thưởng trà. Anh Nguyễn Thanh Dương cho hay: Không phải vườn chè nào cũng có thể sản xuất chè “giá khủng”; không phải lứa nào cũng có thể thu hái làm nguyên liệu và không phải người hái chè nào cũng có kỹ thuật để thu hái những tôm chè tươi để sản xuất ra thứ chè ấy. Đến cả người chế biến cũng phải là một nghệ nhân có độ cảm quan và đôi bàn tay tinh tế để cảm nhận nhiệt độ của mỗi mẻ chè khi chế biến.
Theo chia sẻ của anh Dương, chỉ những bãi chè hữu cơ, giống Trung du, được trồng trên đất sỏi cơm, có độ dốc khoảng 25 độ mới đủ điều kiện làm nguyên liệu chế biến chè ngon, giá khủng. Những nơi có thổ những như thế này mới giúp điều tiết được độ ẩm, giúp rễ chè hấp thu được những dinh dưỡng tốt nhất.
Một năm, chỉ có 3 lứa chè đáp ứng được yêu cầu chế biến chè cao cấp. Đó là thời điểm chè bắt đầu vào vụ Xuân; đầu tháng 8 và cuối tháng 10 Âm lịch. Lứa chè Xuân đầu tiên mọc lên từ thân cây (sau những ngày đốn đau từ vụ Đông) giúp chè có vị béo bùi, thơm ngát. Lứa chè đầu tháng 8 và cuối tháng 10 trổ búp trong tiết trời dịu mát, ít mưa rào cũng khiến cho mỗi búp chè mang hương cốm sâu hơn...
Những loại chè hảo hạng, có giá tiền triệu đều được chế biến bằng phương pháp thủ công truyền thống. Người sao chè phải dùng đôi bàn tay để cảm nhận nhiệt độ và mũi để cảm nhận mùi hương của chè. Theo anh Phạm Văn Hiệp, xóm Hồng Thái, xã Tân Cương, trong một mẻ chè, nhiệt độ thay đổi liên tục. Nhất là khi lấy hương, nhiệt độ phải giảm xuống mức 80 độ C mới có thể làm “phân tử” trong lõi chè bung hương. Nếu để quá lửa, chè bị khét, khi pha nước màu đỏ chứ không còn mang màu trong xanh và có hương vị đặc trưng của thứ trà được phong danh “đệ nhất” đất Việt nữa…
Cầu kỳ trong cách chăm bón, thu hái, chế biến, người làm chè Thái Nguyên đã tạo ra được thứ trà “tròn vị” mang đủ hương (thơm mùi cốm); sắc (cánh chè chắc nịch, thả vào ấm có tiếng kêu cong cong thật vui tai); vị (ngọt hậu); thần (hồn cốt của trà Thái, đem đến sự sảng khoái, thần thái tươi vui cho người thưởng trà). Và mong muốn của họ là gặp được những người biết “thẩm” trà đúng nghĩa. Anh Dương cho hay: Chỉ những người biết thưởng trà mới cảm nhận hết được hương vị đặc biệt của những chén trà hảo hạng. Những người yêu trà, nghiền trà, hiểu về cây chè sẽ biết dùng thứ nước tinh khiết nơi đầu nguồn và những bộ ấm chén phù hợp để pha trà, thưởng trà…
Ngày Xuân, khi những làn mưa bụi lất phất bay, ngồi nhân nhi thứ trà “tròn vị”, chúng tôi cảm nhận được sự ấm ấp, hương thơm quyến rũ và dư vị, tiền vị, hậu vị của những chén trà “giá khủng” nơi vùng đất Thái Nguyên.