Chiến lược phát triển nói chung, thu hút đầu tư nói riêng của tỉnh giai đoạn tới được thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025: Xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Để hiện thực hóa mục tiêu tổng quát đó, Đảng bộ tỉnh đề ra 5 định hướng lớn, quan trọng hàng đầu là tập trung phát triển hạ tầng khu vực phía Nam tỉnh.
“Ghi điểm” từ quy hoạch và phát triển hạ tầng
Cụ thể hóa những định hướng, giải pháp lớn này, tỉnh đang rất coi trọng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Trong đó, quan trọng nhất là Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được triển khai xây dựng công phu và đang trong giai đoạn hoàn thành. Các địa phương trọng điểm về phát triển kinh tế, thu hút đầu tư như T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, T.X Phổ Yên và huyện Phú Bình thời gian gần đây cũng đều dành sự quan tâm lớn cho công tác quy hoạch (nhiều địa phương đã hoàn thành quy hoạch chung, quy hoạch phân khu).
Cùng với quy hoạch, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tại phía Nam tỉnh được quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Các tuyến giao thông trọng điểm, có tính kết nối cao đã và đang được dồn lực triển khai nhằm hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo thêm xung lực phát triển cho tỉnh trong tương lai không xa.
Một góc Khu công nghiệp Yên Bình. (ảnh L.K)
Phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp cũng là giải pháp được tỉnh rất coi trọng thời gian gần đây. Đầu năm nay, Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới và mở rộng một số khu công nghiệp (tổng diện tích quy hoạch khu công nghiệp của tỉnh hiện là trên 2.300ha). Và hiện 5/7 khu công nghiệp trên địa bàn đã, đang được đầu tư hạ tầng và đã đạt tỷ lệ lấp đầy chung khoảng 61%... Việc phát triển hạ tầng giao thông và các khu công nghiệp cùng với hạ tầng các dịch vụ đi kèm một cách đồng bộ, hiện đại tiếp tục giúp Thái Nguyên “ghi điểm” với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cam kết mạnh mẽ
Tại Kỳ họp cuối năm, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết ban hành Đề án Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đề án là sự tiếp nối, phát triển các chủ trương, cơ chế, chính sách của Thái Nguyên từ giai đoạn trước về thu hút đầu tư; là sự tiếp tục khẳng định cam kết của tỉnh về một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch. Thông điệp này được các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh nhiều lần nhấn mạnh trong các diễn đàn, khi tiếp xúc, đối thoại với nhà đầu tư thời gian gần đây (riêng năm nay, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tiếp hàng chục lượt nhà đầu tư lớn đến khảo sát, đề xuất dự án đầu tư tại tỉnh).
Cùng với chủ trương, định hướng chiến lược và cam kết rõ ràng đó, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an ninh trật tự… để tạo thêm niềm tin cho nhà đầu tư.
Thái Nguyên vài năm trở lại đây luôn đứng trong tốp đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu và thu hút vốn FDI. Chúng ta tin tưởng, với chủ trương, chiến lược, cơ chế và những giải pháp đồng bộ, quyết liệt như vậy, tỉnh sẽ tiếp tục thu được thành quả lớn trong thu hút đầu tư, nhất là những nhà đầu tư tầm cỡ, những “đại bàng” cùng Thái Nguyên “cất cánh”.
Ông Wo Zwo Jiang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH DBG Technology Việt Nam (doanh nghiệp đã khởi công Dự án sản xuất thiết bị điện tử có tổng vốn đăng ký đầu tư 80 triệu USD tại Khu công nghiệp Yên Bình vào tháng 4-2021): “Chúng tôi rất ấn tượng trước sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên để giúp Công ty hoàn thiện thủ tục đầu tư. Trước khi quyết định đầu tư vào Thái Nguyên, chúng tôi đã khảo sát rất nhiều địa điểm và đến nay, có thể khẳng định Thái Nguyên là sự lựa chọn đúng đắn.”