Từ mô hình trang trại chăn nuôi gà, ấp trứng, ông Nguyễn Văn Đường, tổ 3, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) đạt doanh thu hơn 30 tỷ đồng/năm. Ông là một điển hình trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh và cả nước. Ông Đường cũng là 1 trong 63 tỷ phú “chân đất” được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019”. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, trang trại của ông vẫn bảo đảm việc làm có thu nhập ổn định từ 6 đến 9 triệu đồng/tháng cho 15 lao động địa phương.
Sở hữu cơ ngơi trị giá hơn 40 tỷ đồng, đi xe sang, điện thoại xịn, nhưng cái chất "mộc" nhà nông vẫn khiến bất cứ ai tiếp xúc đều cảm nhận được ở ông Đường sự tin cậy. Ông chia sẻ: Cuộc sống không quan trọng giàu hay nghèo, nhưng sống chân thành sẽ tạo được mối quan hệ bền vững quanh mình, nhất là trong làm kinh tế.
Ông Đường lấy vợ năm 26 tuổi (1994), khi đó, vốn liếng của 2 vợ chồng cộng lại là 4 bàn tay lấm bùn. Mỗi tối, vợ chồng chia nhau chạy khắp các cánh đồng nhặt từng con cua, con nhái mang về làm thức ăn cho đàn vịt đẻ 50 con. Không có tiền mua cám chăn vịt, nhưng vịt được ăn cua, nhái trộn với rau xanh các loại nên có sức đẻ đều. Toàn bộ trứng được vợ chồng ông gom lại, xếp sau xe đạp thồ mang sang tỉnh Bắc Giang bán cho các lò ấp.
Việc mua bán rành rẽ, nên nhiều hộ chăn nuôi gia cầm trong vùng tin tưởng, dành trứng bán cho ông. Ông thở phào: Cứ 3 ngày tôi lại đi thu gom và giao trứng cho lò ấp 1 lần. Có những chuyến gom được hơn 3.000 quả. Còn những ngày không đi gom trứng, lại lùa vịt chạy dọc suối, tối cùng vợ ra đồng soi đèn bắt cua, vợt nhái, về băm trộn với rau xanh cho vịt ăn.
Sau 7 năm “lặn lội thân cò”, lưng vốn của vợ chồng đã khá hơn, ông khăn gói sang huyện Tân Yên (Bắc Giang), đến địa chỉ giao trứng thân quen xin được học nghề làm lò ấp trứng. Sau khi đã thạo nghề, ông trở về mượn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người thân, thế chấp Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT vay 50 triệu đồng. Toàn bộ số tiền vay được, ông dồn cả vào mua 1 lò ấp công suất 5.000 trứng.
Ông Nguyễn Văn Đường trao đổi cùng cán bộ, hội viên nông dân địa phương về kinh nghiệm chăn nuôi gà bố mẹ.
Nhưng để bán được con giống, ông phải tự mang rao bán khắp làng trong, xã ngoài. Do chất lượng con giống tốt, nên chỉ một thời gian ngắn, ông đã có nhiều bạn hàng thân thiện. Ngoài trả hết nợ vay ngân hàng, ông Đường còn có vốn đầu tư thêm lò ấp trứng mới. Cao điểm nhất ông có gần 30 lò ấp trứng gia cầm, 1 năm ấp hơn 5 triệu quả trứng, chủ yếu cho ra lò giống gà lai chọi và gà mía bán lại cho các trang trại chăn nuôi gia cầm trong, ngoài tỉnh.
Làm lò ấp trứng cũng là một công việc nặng nhọc, cần sự tỉ mỉ, khéo léo. Chính vì thế, ông luôn có tư duy đầu tư nâng cao công nghệ thay thế, từ lò ấp “giàn khoai tây” chuyển sang lò ấp “bập bênh”, đến lò ấp giàn đảo tự động. Để có đủ nguồn trứng cho lò ấp, ông liên kết hợp tác với hàng chục hộ chăn nuôi gia cầm trong vùng. Theo đó, ông Đường đầu tư gà giống, kỹ thuật, thuốc thú y và mua lại toàn bộ số trứng của hộ liên kết. Sau 1 năm, ông chuyển lứa gà bố mẹ mới đến thay thế và nhận lại tiền vốn đầu tư ban đầu. Nhờ liên kết với ông Đường, nhiều hộ trong vùng đã có kinh tế khá giả.
Nhằm mở rộng sản xuất, năm 2017, vợ chồng ông Đường mua lại của bà con trong vùng hơn 20.000m2 đất nông nghiệp. Ông thuê máy san lấp, tạo mặt bằng xây dựng trang trại chăn nuôi với quy mô 12.000 gà bố mẹ. Tổng vốn đầu tư cho trang trại chăn nuôi hết hơn 13 tỷ đồng. Bà Dương Thị Luyến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Bình cho biết: Đây là một trang trại được xây dựng với quy mô hiện đại, dưới sàn gà đẻ có hào để chấu, chuồng trại luôn khô ráo. Việc cho gà ăn, uống nước, hệ thống ánh sáng và máy móc ổn định nhiệt, làm mát được tự động hóa. Khi mất điện lưới, máy phát điện của trang trại sẽ tự khởi động mà không cần đến sức người.
Còn ông Đường khoe: Năm 2021, tôi đầu tư lắp đặt hệ thống lò ấp trứng công nghệ mới trị giá 1,5 tỷ đồng. Toàn bộ quá trình ấp trứng đều được tự động hóa, không phải đảo bằng tay, tỷ lệ ấp nở đúng ngày đạt 99%.
Không chỉ lo làm giàu cho mình, ông còn tích cực giúp đỡ những hộ khó khăn trong vùng cùng phát triển kinh tế bằng cách hỗ trợ gà giống, thức ăn chăn nuôi và kinh nghiệm chăm sóc. Đặc biệt vào các dịp lễ, Tết, ông là mạnh thường quân, cùng chính quyền địa phương mang quà đến trao cho người yếu thế.