Về xã Khe Mo (Đồng Hỷ), hỏi chuyện mua đào Tết, anh Nguyễn Việt Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã phấn chấn: Năm nay Hội có thêm 1 nông dân “góp” đào đón Tết, đó là hội viên Phương Quốc Bình, 42 tuổi, Chi hội xóm Làng Cháy. Hiện anh Bình sở hữu hơn 500 gốc đào phai, đào thế, có gốc trị giá vài chục triệu đồng. Đây là năm đầu anh cho đào lên chậu, góp vui với vườn hoa xuân của địa phương.
Như để minh chứng lời mình nói, anh Dũng kéo tôi lên ô tô, chạy đường loắc ngoắc cua dốc chừng nửa giờ thì đến nhà anh Bình. Lúc này, anh Phương Quốc Bình đang lúi húi với công việc của một nông dân làm vườn. Thay lời chào xã giao, anh mộc mạc: Hầu hết cây đào trong vườn được mua lại của bà con trong vùng. Một số cây đào cổ thụ tôi tìm mua được của đồng bào các dân tộc trên lưng núi của huyện Bắc Sơn, Cao Lộc, Hữu Lũng (Lạng Sơn), rồi thuê xe chuyển về.
Nhìn những nụ đào chúm chím đợi hơi ấm mùa Xuân, có mấy ai biết được chủ vườn đã đổ vào mảnh đất này bao nhiêu mồ hôi công sức. Qua câu chuyện chúng tôi được biết, anh Bình bắt đầu gắn bó với khu đất rộng hơn 4ha này từ năm 2011. Năm đó, anh lập gia đình, bố mẹ chia cho hơn 4ha đất và 1 con trâu cày. Xòe đôi bàn tay chai sạn, anh Bình chia sẻ: Trước khi trở thành thợ vườn, tôi là cử nhân tin học. Sau khi tốt nghiệp, tôi đã mang bằng cử nhân đi xin việc ở nhiều nơi, đến đâu cũng nhận được câu trả lời “đang tinh giản biên chế”.
Trong thời gian đợi có một công việc ổn định, anh theo bạn học đi làm cho một số doanh nghiệp, nhưng lương tháng chỉ vừa đủ để thuê nhà và chi tiêu hàng ngày. Vất vả mà không biết tương lai như thế nào, anh Bình trở về nhà. Nhìn khu đất bỏ hoang đầy cỏ guột, bông chít mọc cao hơn đầu người, anh nhận ra mình đang bỏ lãng phí cơ hội làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Vậy là buông bỏ “khát vọng” thoát ly như bao trai làng, với quyết tâm “bàn tay ta làm nên tất cả”, anh Bình bắt tay vào những công việc của một nhà nông thứ thiệt.
Là cử nhân công nghệ thông tin, nhưng không bấm bàn phím hay nút điều khiển tự động – mà dùng “vô lăng dây”. Vốn có học thức và được học hỏi nhiều bên ngoài xã hội, nên vườn bãi được anh thiết kế khoa học và đầu tư làm kinh tế vườn theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Đất của anh bắt đầu được xới lộn cho các việc trồng cây, đầu tiên là chuối, tiếp đến gừng, rồi chanh. Chuối quả to, buồng dài cả mét; gừng cay nhức mũi và chanh mọng chua đầy quả nặng trĩu cành, nhưng bán rẻ như cho. Hiệu quả kinh tế thấp, anh Bình đành phá bỏ để chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.
Điệp khúc trồng chặt, chặt trồng không làm anh nản chí, tiếp tục dấn thân, khuya sớm phát, đốt, dọn bãi. Cứ chỗ cao cào xuống chố thấp, mỗi năm dấn sức cải tạo thêm đất đai để thực hiện khát vọng làm giàu. Khi nải chuối, củ gừng, quả chanh không có đầu ra, anh trồng thay thế bưởi Diễn, bưởi da xanh; nhãn lồng Hưng Yên và trồng chè. Các khu đất trũng anh thuê máy về đào ao, kết hợp trữ nước tưới cho vườn cây và chăn thả cá.
Bấm đốt ngón tay, anh Bình thở phào: 7 năm gần như không ngơi nghỉ tôi mới cải tạo xong mảnh đất của mình. Từ năm 2017 trở lại đây, công việc sản xuất của gia đình ổn định, với 4 sào ruộng ăn chắc 2 vụ lúa; 2 ao chăn thả cá có diện tích mặt nước 8 sào/ao và 8 sào chè kinh doanh. Đất còn lại tôi trồng được 200 gốc bưởi, 150 gốc nhãn và hơn 500 gốc đào các loại.
Cầm lưới ra ao, anh khoe: Cá ao nhà chủ yếu là trắm, rô phi đơn tính và cá chép. Cá kéo lên bán tại bờ hơn 3 tấn; chè búp tươi bán tại đồi hơn 4 tấn; thóc gặt về phơi khô quạt sạch hơn 1,5 tấn/năm. Ngoài cá, chè và thóc, gia đình tôi còn có sản phẩm giao bán tại nhà là các loại quả bưởi, nhãn. Trừ chi phí đầu tư cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiền thuê nhân công theo thời vụ, tôi còn dư hơn 200 triệu đồng/năm. Đặc biệt năm 2022 này, gia đình có thêm sản phẩm mới phục vụ bà con là đào Tết Nguyên đán.
Không chỉ làm giàu cho mình, anh Bình còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào tại địa phương. Anh nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình với bà con trong vùng. Nhiều hộ được anh giúp đỡ bằng cách cho vay vốn mua giống cây trồng, vật nuôi không lấy lãi; giúp thiết kế vườn bãi và kinh nghiệm đầu tư phù hợp với từng loại đất. Anh đã đánh đổi rất nhiều mồ hôi, công sức để một vùng đất cằn xa khuất ở xã Khe Mo có bông đào nở góp vui với Xuân này.