Những cơ ngơi tiền tỷ trên đất cằn

08:02, 10/01/2022

Kết quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” trong 3 năm gần đây, huyện Võ Nhai có hơn 10.000 lượt hội viên đạt tiêu chí sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Bởi dám thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế, họ đã gặt hái được “trái ngọt” ngay trên mảnh đất cằn cha ông để lại. Họ chính là những tấm gương tiêu biểu trên mặt trận giảm nghèo ở huyện vùng cao Võ Nhai.

Thành quả này có sự đóng góp quan trọng của Hội Nông dân huyện Võ Nhai trong nhiều năm liên tục. “Mưa lâu thấm dần”, các hoạt động thiết thực của tổ chức Hội đã giúp hội viên, nhất là nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của huyện thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Chỉ tính riêng năm 2021, Hội đã phối hợp tổ chức 156 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi và kỹ năng sản xuất, kinh doanh cho hơn 13.500 lượt hội viên. Cùng với đó, Hội tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội cho gần 2.900 lượt hội viên vay vốn phát triển sản xuất, với tổng dư nợ hiện nay là hơn 111 tỷ đồng.

Ông Ngô Văn Dinh, Chi hội nông dân xóm Na Mạ (Lâu Thượng) cho biết: Gia đình tôi có truyền thống chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Thông qua tổ chức Hội Nông dân, tôi được vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Nhờ đó, gia đình tôi có điều kiện duy trì đàn vật nuôi thường xuyên 6 con trâu, bò; nhiều nhất gần 10 con trâu, bò.

Trong lúc đưa chúng tôi đến thăm một số mô hình kinh tế của địa phương, ông Trần Xuân Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâu Thượng nói: Được trang bị kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến và có thêm vốn đầu tư sản xuất, gia đình ông Dinh cũng như nhiều hội viên khác đã thoát nghèo, trở thành hộ có kinh tế khá, giàu.

Hầu hết các nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở Võ Nhai có tài sản đất đai từ cha mẹ để lại. Song họ gặp khó khăn về vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất. Nắm bắt được hạn chế này, Hội Nông dân huyện đã đứng ra đảm trách vai trò kết nối giữa hội viên với các cơ quan chức năng Nhà nước, từng bước trang bị cho hội viên những điều kiện cần thiết trong sản xuất, kinh doanh, như khoa học kỹ thuật sản xuất, kỹ năng kinh doanh và vốn đầu tư.

Ví như ông Nguyễn Thành Lộc, xóm Hiên Minh, xã La Hiên. Năm 2017, sau khi tham gia lớp tập huấn trồng cây ăn quả và chăn nuôi thủy cầm do Hội Nông dân tổ chức, ông mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng và tiền của người thân để xây dựng trang trại trồng na, chăn nuôi vịt. Từ 3 năm gần đây, trang trại của gia đình ông Lộc cung cấp cho thị trường hơn 200 tấn vịt thương phẩm, 15 tấn na quả. Trừ chi phí nhân công và các khoản đầu tư, ông thu lãi hơn 500 triệu đồng/năm.

Chuyện làm giàu, nhiều người dân Võ Nhai nhắc đến ông Hoàng Minh Hào, xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng. Từ mô hình sản xuất và cung cấp các sản phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả, gia đình ông có lãi gần 300 triệu đồng/năm. Ông Hào chia sẻ: Nhờ cán bộ Hội Nông dân khuyến khích, tôi đã suy nghĩ, rồi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất sẵn có của gia đình. Từ hai năm nay, 6 sào ao thu được 1,5 tấn cá trắm cỏ, rô phi đơn tính và gần 1 tấn ốc nhồi. 20 sào đất trồng cây ăn quả cho thu hoạch hơn 50 tấn quả nhãn, ổi, na, bưởi, mít. Ngoài ra, nhà tôi còn đàn dê 30 con, xuất bán 10 con/năm. Thu nhập bình quân đạt 60 triệu đồng/nhân khẩu/năm.

Cùng xóm với ông Hào, ông Hoàng Văn Thắng bắt đầu khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng. Ông kể: Năm 1977, tôi lập gia đình. Để ổn định cuộc sống, tôi vay mượn tiền của người thân đi mua lá thuốc tươi về sấy bán lấy lời. Sau nhiều năm, tiền tích lũy tôi dành mua lại đất ruộng của một số hộ trong vùng. Đến năm 2000, tôi sở hữu gần 33.600m2 đất sản xuất. Nhưng để có vườn cây ăn quả gồm dứa, ổi, thanh long cho thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm như hiện nay, gia đình tôi phải dành dụm, cải tạo khu đất này liên tục trong suốt 14 năm. Và từ năm 2017 đến nay, vườn quả cho thu hoạch luân phiên, mùa nào thức nấy, không lo sản phẩm làm ra bị ế ẩm.

Nhờ tích cực vận dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nhiều gia đình hội viên nông dân ở Võ Nhai không chỉ thoát nghèo mà đã trở thành hộ có kinh tế khá giả. Cùng thời gian, trên địa bàn huyện hình thành nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao. Điển hình phải kể đến các mô hình trồng Bưởi Diễn ở xã Tràng Xá; Tổ hợp tác trồng Na ở xã La Hiên; trồng nhãn, ổi ở xã Phú Thượng; mô hình nuôi dê ở xã Liên Minh, Vũ Chấn, Phú Thượng; chăn nuôi trâu, bò sinh sản tại các xã Vũ Chấn, Thượng Nung, Sảng Mộc; mô hình nuôi chim trĩ thương phẩm tại xã Nghinh Tường...

Mỗi người có một cách làm kinh tế riêng, như gia đình hội viên Dương Văn Đô, xóm Tân Thành, xã Tràng Xá. Với mô hình kinh doanh gas, xưởng chế biến gỗ, vật liệu xây dựng, trồng rừng đã mang lại cho gia đình ông thu nhập 300 triệu đồng/năm. Ông Đô tâm sự: Ít năm trước gia đình tôi thuộc diện nghèo khó ở địa phương. Để “thay đổi số phận”, năm 2013, tôi vay tiền mua xe tải và kinh doanh hàng nông - lâm sản. Do đầu tư đúng hướng, nên chỉ 2 năm sau, ngoài việc trả hết nợ, tôi còn có vốn mở xưởng sản xuất gạch silicat, mua ô tô chở khách phục vụ người dân trong vùng. Trong sản xuất kinh doanh, tôi lựa thời theo thị trường, từ năm 2019, tôi chuyển sang kinh doanh gas. Năm 2020 tôi mở thêm xưởng bóc gỗ, tạo việc làm cho 10 lao động địa phương, với mức lương từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.

Còn nhiều nữa những tấm gương hội viên nông dân giàu nghị lực, vươn lên làm giàu trên đất cằn. Từ những nỗ lực của bản thân và sự giúp sức từ tổ chức Hội Nông dân, họ đã và đang góp phần phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện.