Đầu tư hơn 1 tỷ đồng làm trang trại trồng cam, quýt, bưởi kết hợp chăn nuôi tại xã Cúc Đường (Võ Nhai), anh Vũ Văn Dương - một nông dân có kinh nghiệm trồng na đặc sản, kỳ vọng có thể gây dựng thành công vùng trồng cam, quýt, khôi phục danh tiếng của vùng cam Cúc Đường nức tiếng một thời.
Đưa chúng tôi đi thăm vườn cam, quýt trĩu quả, đẹp thuộc loại “bậc nhất” trong vùng, anh Dương chia sẻ, bản thân dù rất kỳ vọng nhưng cũng không khỏi bất ngờ khi cây cam, cây quýt rất hợp với đồi đất nơi đây. Chỉ sau 3 năm trồng, hơn 1ha cam Vinh, quýt canh của anh Dương đã cho thu hoạch.
Là nông dân thành công với việc trồng cây na trên đất La Hiên, mỗi năm, anh Dương có thể thu về từ 200-300 triệu đồng lợi nhuận từ hơn 1 mẫu na của gia đình. Không bằng lòng chỉ với thành quả này, năm 2017, anh Dương đầu tư trồng 10ha rừng trên địa bàn xã Cúc Đường. Và khi tiếp xúc với bà con địa phương ở đây, anh mới biết đây là vùng trồng cam ngon có tiếng của huyện từ hàng chục năm trước.
Nắm bắt hướng đi mới, anh Dương cất công đi khắp các vùng cam nổi tiếng từ Nghệ An, Hòa Bình, Bắc Giang cho đến Hà Giang, Bắc Kạn để học hỏi. Cùng năm đó, anh trồng thí điểm 1ha cam Vinh và quýt canh liền kề với diện tích rừng của gia đình. Sau 1 năm, cây sinh trưởng tốt, anh quyết định mở rộng thêm 2ha diện tích trồng cam, quýt và trồng thêm bưởi. Điểm khác biệt ở trang trại của anh Dương là thay vì dùng phân bón tổng hợp, anh tận dụng phân chuồng của các hộ chăn nuôi trong vùng đem về ủ hoai mục để bón cho cây. Giải pháp này không chỉ giúp anh Dương tiết tiệm gần 10 triệu đồng/ha mỗi năm so với giải pháp dùng phân bón tổng hợp mà còn bảo đảm sản phẩm đầu ra của trang trại phù hợp với tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ.
Anh Dương chia sẻ: Tôi xác định sản xuất theo hướng hữu cơ ngay từ khi bắt tay vào trồng cây ăn quả, vì đây sẽ là hướng đi bền vững. Hơn nữa, kinh nghiệm tôi học hỏi được từ các vùng trồng cam nổi tiếng thì hoa quả hữu cơ bảo quản tự nhiên được lâu hơn, thời vụ thu hái dài hơn, lại tránh được rủi ro về giá cả thị trường khi khai thác số lượng lớn trong một trời điểm. Cây cam, quýt chăm bón theo hướng hữu cơ cũng “bền” hơn và có thể khai thác tới 20 năm mới phải trồng lại.
Đến cuối năm 2020, 1ha diện tích cam, quýt trồng năm 2017 của anh Dương đã cho thu hoạch vụ đầu tiên với sản lượng trên 5 tấn. Và đến cuối năm 2021, trên diện tích này, anh Dương thu hoạch trên 15 tấn quả. Với giá xuất bán ra thị trường khoảng 20 nghìn đồng/kg cam Vinh và khoảng 25 nghìn đồng/kg quýt canh, anh Dương đã thu về khoảng 150 triệu đồng tiền lãi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Công Sự, Phó Chủ tịch UBND xã Cúc Đường cho biết: Chúng tôi đánh giá rất cao mô hình trồng cây ăn quả của anh Vũ Văn Dương và mong muốn mô hình này sẽ được nhân rộng tại địa phương. Trước mắt, xã sẽ phối hợp với anh Dương để xây dựng sản phẩm cam, quýt từ trang trại của gia đình thành sản phẩm OCOP của địa phương.
Không dừng lại ở sản phẩm cây ăn quả theo hướng hữu cơ, anh Dương còn đang thí điểm nuôi giun quế để làm thức ăn chăn nuôi gà cũng theo hướng hữu cơ, an toàn. Phụ phẩm của giun quế và gà lại tiếp tục được anh sử dụng để bón cho cây ăn quả. Chia sẻ về định hướng thời gian tới, anh Dương nói: Tôi mong muốn khi mô hình của tôi thành công sẽ thu hút bà con trong vùng làm theo để tạo thành vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản, cùng nhau phát triển vững mạnh. Bên cạnh đó, để giảm thiểu tình trạng lệ thuộc vào thương lái như hiện nay, tôi sẽ vận dụng kinh nghiệm tiêu thụ na trong những năm gần đây để xây dựng kênh phân phối, bán lẻ của mình tại các đô thị lớn trong tỉnh.