Về xã Tân Cương, được chứng kiến cuộc sống ấm no của người dân, sự “thay da, đổi thịt” của miền quê “đệ nhất danh Trà”, chúng tôi cảm nhận được sức lan tỏa mạnh mẽ của Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Năm 2021, cùng với xã Đồng Liên, Tân Cương là một trong 2 địa phương được T.P Thái Nguyên lựa chọn về đích NTM nâng cao.
Sự “thay da đổi thịt” của vùng quê này được thể hiện rõ nét nhất ở những con đường bê tông trải dài, rộng rãi, thoáng sạch đến từng ngõ, xóm. Trước đây, hầu hết những tuyến đường này đều là đường đất nhỏ hẹp, lầy lội. Bà Nguyễn Thị Hồng, Trưởng xóm Đội Cấn, phấn khởi: Hiểu rõ được rằng khi thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đối tượng hưởng lợi trước tiên là người dân nên bà con trong xóm đều tích cực hưởng ứng. Nhiều hộ đã hiến cả trăm mét vuông đất các loại và nộp tiền đối ứng để làm đường bê tông. Cùng với nguồn hỗ trợ xi măng của Nhà nước, đến nay, 70% đường trục xóm, ngõ xóm đã được đổ bê tông, với chiều rộng lòng đường từ 4-5m. Đến đầu năm 2022, xóm chúng tôi sẽ tiếp tục đăng ký làm nốt gần 1km đường trục xóm.
Không riêng xóm Đội Cấn, làm đường giao thông nông thôn đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi giữa các thôn, xóm ở xã Tân Cương trong những năm qua… Đến nay, trên 70% tuyến đường trục xóm, liên xóm trên địa bàn đã được đổ bê tông; 100%mđường ngõ xóm đã cứng hóa; 100% tuyến đường trục xã, liên xã đã được đổ nhựa, cắm biển chỉ dẫn, trồng cây xanh theo quy định, góp phần giúp người dân giao thương thuận lợi, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Về phát triển kinh tế, từ năm 2011, khi bắt đầu thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đến nay, nhiều chương trình, dự án đã được xã Tân Cương triển khai đã góp phần bảo tồn, phát triển giống, vùng trồng chè trung du sẵn có tại địa phương và mở rộng diện tích trồng chè cành có năng suất chất lượng cao. Ở xã đã xuất hiện nhiều hộ sản xuất, kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) sản xuất chè quy mô lớn.
Đến nay, trên địa bàn xã Tân Cương có 13 HTX, tổ hợp tác, 8 làng nghề chè truyền thống được công nhận, trong đó, có 3 HTX có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo hình thức ký hợp đồng thu mua giữa người dân với HTX, giữa HTX với các doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng kinh doanh. Các HTX đều sản xuất, chế biến chè theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP và đều có sản phẩm chè đạt OCOP từ 3 đến 5 sao. Việc tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đã góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, tiêu chí thu nhập của xã đã hoàn thành, bình quân thu nhập của người dân trên địa bàn đạt 48,6 triệu đồng/người/năm (cao hơn 19 triệu đồng so với năm 2015), tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 0,06%.
Chị Hoàng Thị Tân, Giám đốc HTX Tâm Trà Thái, ở xóm Hồng Thái 2, một trong 3 HTX đang thực hiện mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ chè trên địa bàn, cho biết: Hiện nay, HTX có 8 thành viên, tổng diện tích chè canh tác là 11ha, trong đó, 5ha của các thành viên HTX, 6ha là diện tích liên kết và thu mua sản phẩm. Bình quân mỗi năm, chúng tôi xuất ra thị trường trong và ngoài nước 16 tấn/năm chè búp khô, với giá bán từ 350 nghìn đồng đến 3,5 triệu đồng/kg, doanh thu bán hàng đạt 2,5 tỷ đồng/năm.
Cùng với 2 tiêu chí giao thông và thu nhập, xã Tân Cương chú trọng thực hiện các tiêu chí khác, như: Nhà ở dân cư, hộ nghèo, lao động có việc làm, giáo dục và đào tạo… Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cương cho hay: Xác định Chương trình xây dựng NTM là không có điểm dừng nên sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2015, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, đồng thời hoàn thiện những tiêu chí còn đạt "non". Xã đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Tính từ năm 2016 đến nay, Tân Cương đã huy động được gần 50 tỷ đồng, trong đó, khoảng 50% tổng kinh phí dành cho việc thực hiện tiêu chí giao thông, thủy lợi…
Với những nỗ lực không ngừng, đến nay, sau gần 1 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, qua rà soát của địa phương và T.P Thái Nguyên, xã Tân Cương đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí.
Tuy nhiên, Tân Cương vẫn còn tiêu chí đạt "non" do phụ thuộc vào nguồn kinh phí phân bổ từ cấp trên như: Thông tin và truyền thông (chưa có Đài Truyền thanh xã); trường học (cơ sở vật chất một số trường học đã cũ). Vì vậy, mục tiêu năm 2022 của xã là phấn đấu hoàn thành các tiêu chí này nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng ngày càng khang trang, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu đời sống của nhân dân, xây dựng vùng "đệ nhất danh trà' trở thành xã NTM nâng cao điển hình của tỉnh.