Không chỉ phát triển chăn nuôi gà, thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Phú Bình còn đầu tư xây dựng hệ thống ấp, nở trứng gia cầm theo quy trình khép kín. Qua đó cung cấp ra thị trường những con giống gia cầm khỏe mạnh, đảm bảo chất lượng, phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.
Bà Trần Thị Tuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình cho biết: Là địa phương có thế mạnh phát triển chăn nuôi, bên cạnh chăn nuôi gà thịt, đẻ trứng, bà con còn đầu tư hệ thống ấp, nở trứng gia cầm. Hiện, trên địa bàn huyện có trên 50 cơ sở sản xuất con giống gia cầm, với khoảng 200 máy ấp, nở. Nhiều trại giống đã chủ động tiếp cận khoa học kỹ thuật, đầu tư công nghệ cao với quy trình tiên tiến, khép kín đồng bộ, hàng năm cung cấp ra thị trường từ 30-35 triệu con giống khỏe mạnh, chất lượng tốt cho các địa phương trong, ngoài tỉnh.
Chị Đàm Thị Quy, ở xóm Non Tranh, xã Tân Thành, chia sẻ: Gia đình tôi đang nuôi trên 10.000 con gà mái đẻ giống Lương Phượng. Trung bình 1 ngày, tôi thu khoảng 5.000 quả trứng. Với 16 máy ấp, nở trứng gia cầm, tôi xuất bán 30.000 con giống/tháng (giá 10 nghìn đồng/con), cung cấp cho thị trường các tỉnh Hải Dương, Phú Thọ, Yên Bái… Để giống gia cầm đảm bảo chất lượng, tôi luôn chọn những quả trứng to đều, không dập vỡ, loại bỏ những quả vỏ mỏng. Nhờ đó, tỷ lệ con giống nở và sống luôn đạt trên 90%.
Cũng là hộ có nhiều năm kinh nghiệm sản xuất giống gia cầm, anh Phạm Văn Trường, ở xóm Tiến Bộ, xã Dương Thành, thông tin: Gia đình tôi hiện nuôi trên 10.000 con gà mái đẻ (giảm ½ số lượng so với trước đây do ảnh hưởng của dịch COVID-19), giống gà Đông Tảo và lai chọi. Trước đây, tôi chỉ ấp trứng gia cầm bằng phương pháp thủ công (ấp trứng trong thóc), nhưng nay do nhu cầu của thị trường, tôi đã đầu tư 16 máy ấp, nở hiện đại. Trong sản xuất giống, tôi luôn lưu ý tiêm đủ liều vắc xin phòng bệnh cho gà bố mẹ; chăn nuôi an toàn sinh học; giữ chuồng trại thông thoáng, sạch sẽ… Với giá bán từ 6-7.000 đồng/con, tôi xuất bán 10.000 con giống/tháng, trừ chi phí, thu lãi hơn 1 tỷ đồng/năm.
Mặc dù đã sản xuất được nguồn giống gia cầm, tuy nhiên, vì chưa có đàn giống gốc nên các cơ sở ấp, nở trứng gia cầm trên địa bàn huyện vẫn chưa chủ động được đàn thay thế (bố, mẹ), phải nhập gà hậu bị từ các nơi khác như Viện Chăn nuôi hoặc Trung Quốc.
Các cơ sở ấp, nở trứng gia cầm đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động tại địa phương với thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Bà Trần Thị Tuyên cho biết thêm: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền tới các chủ cơ sở sản xuất giống gia cầm thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch trên đàn vật nuôi; áp dụng quy trình tiêm vắc xin đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi; thường xuyên khử trùng, tiêu độc chuồng trại nhằm hạn chế thấp nhất dịch bệnh xảy ra, gây tổn thất về kinh tế cho gia đình…
Chăn nuôi gia cầm trên địa bàn huyện Phú Bình những năm qua đang phát triển, là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương. Theo đánh giá của huyện, khoảng 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này đạt 4,72%/năm, trong đó, sản xuất giống gia cầm có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt gần 14%/năm.