Những năm gần đây, sản lượng rau màu trên địa bàn T.P Sông Công có xu hướng tăng. Nhiều mô hình trồng rau đã mang lại hiệu quả, từng bước giúp nông dân nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập. Đây là cơ sở để người dân trên địa bàn tích cực mở rộng diện tích, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tại phường Châu Sơn, hằng năm, cùng với việc tập trung phát triển cây lúa, người dân đã tích cực đưa vào trồng các loại cây rau màu (rau xanh ăn lá, dưa chuột, bí xanh, cà chua...), với diện tích trên 100ha. Nhận thấy lợi thế từ trồng cây rau màu, ngoài chính sách hỗ trợ theo quy định, xã cũng đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hữu cơ, nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn, góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời, làm tốt công tác theo dõi, dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp xử lý kịp thời.
Theo tính toán của người dân, bình quân mỗi năm, bà con trồng 3 vụ rau màu các loại, năng suất đạt 170-180tạ/ha, thu nhập trên 100 triệu đồng/ha (cao hơn gấp 3-4 lần so với cấy lúa). Hiện nay, một số hộ còn chủ động kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp trong việc cung ứng giống, phân bón cũng như liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Theo bà Nghiêm Thị Bình, Phó phòng Kinh tế T.P Sông Công: Những năm gần đây, địa phương đã đẩy mạnh phát triển rau màu, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Hằng năm, tổng diện tích rau màu các vụ trên địa bàn thành phố đạt khoảng 925ha, chủ yếu là rau xanh các loại, khoai lang, cà chua, dưa chuột... Năm 2021, sản lượng rau toàn thành phố đạt trên 15.400 tấn (tăng 3% so với năm 2020). Việc phát triển công nghiệp và đô thị trên địa bàn trong những năm qua cũng đã giúp mở ra thị trường tiêu thụ nông sản tốt cho địa phương, đặc biệt là các sản phẩm rau màu các loại.
Với lợi thế này, cùng với việc khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích trồng rau màu vụ đông, hằng năm, T.P Sông Công đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân đưa vào trồng các loại rau màu cho năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thực tế ở mỗi địa phương. Đồng thời, hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới như nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm nước, bón phân hữu cơ và phát triển các mô hình trồng rau theo hướng an toàn, hiệu quả.
Mô hình trồng dưa chuột Nhật Bản trong nhà lưới của gia đình anh Dương Văn Huynh, ở tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn (T.P Sông Công) với diện tích 1.200m2, dự kiến cho thu hoạch 4,5 tấn quả trong dịp Tết Nguyên đán.
Từ năm 2016 đến nay, T.P Sông Công đã dành hơn 1,3 tỷ đồng để hỗ trợ lắp đặt nhà lưới và hệ thống tưới tiết kiệm đối với 9 mô hình trồng hoa, rau màu tại các xã, phường: Bá Xuyên, Châu Sơn, Bình Sơn. Hiện, thành phố có 6 mô hình trồng rau, hoa công nghệ cao trong nhà lưới, với tổng diện tích hơn 15.000m2. Đây là những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, đang được thành phố tiếp tục nhân rộng theo hướng liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Là một trong những điển hình về trồng rau ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố, anh Nguyễn Văn Hùng, ở xóm Long Vân, xã Bình Sơn, chia sẻ: Năm 2020, tôi đầu tư gần 300 triệu đồng làm nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm với diện tích hơn 1.500m2 để trồng dưa các loại, rau xanh ăn lá, cà chua… Sản xuất rau màu trong nhà lưới đã giúp tăng hệ số sử dụng đất, chủ động được thời vụ, không phụ thuộc vào thời tiết như: Mưa, rét, sương muối…; giảm chi phí phân bón do đất không bị rửa trôi, đồng thời tăng thu nhập từ 1,5-2 triệu đồng/sào/lứa so với sản xuất ở điều kiện bình thường. Trong quá trình sản xuất, tôi chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, góp phần bảo vệ sức khỏe con người cũng như giảm tác động đến môi trường. Đến nay, sản phẩm rau xanh ăn lá của gia đình đã được đưa vào bếp ăn tập thể của trường mầm non trên địa bàn xã. Tuy số lượng chưa nhiều, song đây là tín hiệu tích cực, là cơ sở để tôi tiếp tục kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn.
Nhờ chú trọng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm, nên phần lớn rau màu của nông dân trên địa bàn T.P Sông Công đều có thị trường tiêu thụ tốt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay, quy mô trồng vẫn còn nhỏ lẻ, diện tích sản xuất rau theo hướng an toàn, VietGAP còn ít, chủ yếu tiêu thụ thông qua các thương lái nên giá cả chưa ổn định.
Nhằm đẩy mạnh phát triển rau màu, thời gian tới, thành phố tiếp tục quan tâm hỗ trợ nông dân trong việc kết nối, tiêu thụ nông sản nhằm ổn định đầu ra. Cùng với việc khuyến khích nhân dân mở rộng quy mô sản xuất tập trung, thành phố sẽ tích cực tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho nông dân. T.P Sông Công phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng rau màu các vụ đạt 1.200ha, sản lượng đạt gần 23.000 tấn; trong đó có 30ha sản xuất rau tập trung, ứng dụng công nghệ cao và 1 mô hình chuỗi liên kết rau tại các xã, phường: Bình Sơn, Bá Xuyên, Lương Sơn, Cải Đan…