Tết không lo thiếu thịt gia súc, gia cầm

07:34, 20/01/2022

Thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng các loại thịt gia súc, gia cầm của người tiêu dùng thường tăng cao. Nhằm sẵn sàng nguồn cung phục vụ thị trường, các hợp tác xã (HTX), hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang tăng cường các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi. Tín hiệu vui với bà con chăn nuôi đó là giá thịt lợn, thịt gà những ngày qua đã tăng dần.

Những ngày này, HTX Chăn nuôi xanh, ở tổ dân phố Pha, xã Lương Sơn (T.P Sông Công) luôn có khách hàng đến hỏi mua lợn thịt. Khác với nhiều trang trại, hộ chăn nuôi khác trên địa bàn tỉnh thường sử dụng cám công nghiệp, các thành viên HTX Chăn nuôi xanh chủ yếu dùng ngô, cám gạo, đỗ tương, sắn… ủ men vi sinh để làm thức ăn cho lợn. Do vậy, thịt lợn của HTX rất thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Giám đốc HTX Chăn nuôi xanh chia sẻ: Trung bình mỗi năm, chúng tôi xuất bán ra thị trường trên 1.000 con lợn thịt với trọng lượng trung bình 1,1 tạ/con; trong đó, chỉ riêng dịp Tết là khoảng 400 con. Năm nay, chúng tôi cũng phải chi phí cao hơn cho công tác vệ sinh, phòng bệnh để bảo đảm chất lượng vật nuôi khi xuất bán.

Tương tự, đối với các hộ chăn nuôi gà, bà con cũng đang tập trung chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi nhằm tạo nguồn cung dồi dào cho thị trường dịp trước, trong và sau Tết. Anh Nguyễn Minh Khang, Giám đốc HTX Nông nghiệp thương mại An Khang, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) cho biết: Thời điểm cuối năm thường xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của đàn vật nuôi. Vì vậy, chúng tôi phải bảo đảm nguồn thức ăn chăn nuôi cân đối, giàu dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C để tăng sức đề kháng cho đàn gà. Dịp Tết, HTX dự định xuất bán ra thị trường trên 60 tấn gà thịt, cao gấp 3 lần so với ngày thường.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, sau thời gian dài các sản phẩm chăn nuôi phải bán dưới giá thành sản xuất do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì hiện nay, giá thịt gia súc, gia cầm hiện đang ở mức người chăn nuôi có lợi nhuận. Cụ thể, từ đầu tháng 1-2022 trở lại đây, giá bán lợn hơi có chiều hướng tăng dần, đạt mức 62 nghìn đồng/kg vào ngày 18-1, tăng 15 nghìn đồng/kg so với tháng 12 năm ngoái. Còn giá gà ta lai dao động từ 55-58 nghìn đồng/kg, tăng từ 5-7 nghìn đồng/kg. Nhu cầu tiêu thụ của thị trường đang dần khôi phục đã góp phần khiến cho giá các sản phẩm chăn nuôi tăng trở lại.  Cùng với đó còn có nguyên nhân do người nuôi giảm đàn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và lo ngại dịch bệnh bùng phát.

Giá các loại gia súc, gia cầm ổn định càng tạo động lực cho các hộ tập trung chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi; bảo đảm người nuôi có lãi khá song đây cũng là mức giá không quá cao đối với người tiêu dùng. Đại đa số người chăn nuôi đều kỳ vọng thời điểm cận kề Tết, các sản phẩm chăn nuôi sẽ có giá cao hơn.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản thông tin: Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, song ngành chức năng và bà con đã kịp thời bao vây, xử lý nên dịch bệnh chỉ xảy ra ở quy mô nhỏ, không gây thiệt hại nhiều cho ngành chăn nuôi. Hiện nay, tổng đàn trâu toàn tỉnh đạt khoảng 43,2 nghìn con, giảm 2,7%; đàn bò khoảng 46,4 nghìn con, tăng 0,3%; đàn lợn 452,7 nghìn con, giảm 11,1% và đàn gia cầm khoảng 15,3 triệu con, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Với số lượng như vậy sẽ cơ bản đáp ứng nguồn cung cho người dân Thái Nguyên trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm dịp cuối năm cũng như phát triển sản xuất, bảo đảm lợi nhuận, cùng với chăm sóc, vỗ béo đàn vật nuôi, ngành chức năng khuyến cáo các cơ sở sản xuất cần quan tâm tới công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh nguy hiểm, như: Cúm gia cầm; lở mồm long móng ở trâu, bò; tai xanh ở lợn; dịch tả lợn châu Phi…; đồng thời, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học để nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới sản xuất bền vững. Cùng với đó, bà con nên tận dụng các loại thức ăn từ gạo, ngô, khoai, sắn… để giảm tối đa chi phí sản xuất trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.