Chương trình “Ngân hàng bò” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai đã và đang phát huy hiệu quả trong việc tạo thêm sinh kế, giúp các hộ nghèo nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo. Và đối với nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Phú Lương, Chương trình thực sự đã mang lại ý nghĩa rất lớn.
Một trong những mô hình chăn nuôi bò hiệu quả ở huyện Phú Lương lphải kể đến gia đình anh Lý Văn Tài, ở xóm Phú Thọ, xã Phú Đô. Anh Tài sinh năm 1977, là người dân tộc Mông, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 6 nhân khẩu trong nhà anh chỉ trông chờ vào 5 sào ruộng và 2.000m2 chè nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Năm 2013, anh Tài được Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Lương hỗ trợ 1 bò cái giống sinh sản từ Chương trình “Ngân hàng bò”.
Sau 2 năm chăm sóc, con bò cái đã sinh ra 1 bê con và được trao tặng lại cho hộ có hoàn cảnh khó khăn khác của xóm. Gia đình anh Tài được giữ lại những con bê trong lứa sinh sản sau. Đến nay, gia đình anh có 4 con bò trị giá hơn 100 triệu đồng. Để bò phát triển tốt, gia đình anh Tài thực hiện nghiêm túc các điều khoản trong cam kết; cũng như chăm sóc bò theo đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã; xây dựng chuồng trại chắc chắn, gia cố, che chắn gió trong mùa Đông… Nhờ đó, đàn bò phát triển khỏe mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế khá cho gia đình. Năm 2019, nhà anh Tài đã thoát nghèo.
Cũng giống như gia đình anh Tài, nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa xã Phú Đô nói riêng và huyện Phú Lương nói chung cũng đã thoát nghèo nhờ được hỗ trợ từ chương trình "Ngân hàng bò". Tiêu biểu như gia đình Ông Lầu Văn Lý, xóm Phú Thọ, xã Phú Đô; bà Dương Thị Pềnh, xóm Phú Thọ, xã Phú Đô; ông Hoàng Văn Tươi, xóm Yên Thủy 3, xã Yên Lạc; bà Phạm Thị Hợi, xóm Đồng Hút, xã Tức Tranh; ông La Văn Sơn, xóm Khe Cốc, xã Tức Tranh...
Để chương trình thực sự phát huy hiệu quả, ngay từ những ngày đầu, việc lựa chọn các hộ để hỗ trợ bò được các xã triển khai bình xét công khai, dân chủ. Trong đó, đối tượng được thụ hưởng là các hộ nghèo, ưu tiên gia đình thuộc diện chính sách. Sau khi giao con giống, các cơ quan chuyên môn của huyện Phú Lương trực tiếp xuống từng xóm, đến tận hộ để hướng dẫn bà con làm chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, phương án bảo vệ gia súc, dự trữ thức ăn trong mùa Đông và tiêm vắc-xin để phòng dịch bệnh theo cách “cầm tay chỉ việc”.
Bà Hà Thị Thời, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Lương cho biết: Chương trình “Ngân hàng bò” được triển khai trên địa bàn huyện từ năm 2013, theo hình thức luân chuyển sau khi bò sinh sản. Với số con giống ban đầu của Chương trình là 9 con, đến nay, đàn bò đã sinh thêm 15 con bê. Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ huyện còn mua thêm 14 con bò để hỗ trợ cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Tổng đàn bò hiện đã có 35 con. Đây là cách làm hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Cách làm này đã góp phần tạo sinh kế và thu nhập bền vững cho hàng chục hộ nghèo trong huyện. Việc hỗ trợ bò giống cho các hộ nghèo không chỉ tạo sinh kế cho bà con mà còn góp phần thay đổi dần tập quán chăn nuôi từ thả rông sang nuôi nhốt. Nhờ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, một số hộ còn có tích luỹ được vốn để đầu tư mở rộng chăn nuôi.
Thời gian tới, Chương trình sẽ tiếp tục luân chuyển số bê con sinh ra để hỗ trợ cho các hộ nghèo khác, tạo điều kiện cho hộ gia đình khó khăn phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.