“Ăn chắc, mặc bền” với cây gấc

07:39, 11/02/2022

Ngay trong năm đầu trồng gấc lấy quả, anh Nguyễn Văn Hào - nông dân sinh sống tại huyện vùng cao Võ Nhai đã thu về gần 20 tấn quả, với lợi nhuận đạt gần 80 triệu đồng cho 3ha diện tích trồng. Dự kiến năm 2022 này, diện tích trồng gấc của anh sẽ cho thu hoạch với sản lượng và lợi nhuận cao gấp hơn 2 lần.

Đầu năm 2021, sau khi đi học tập một số mô hình trồng gấc hiệu quả cao tại một số tỉnh, thành lân cận, anh Nguyễn Văn Hào, ở xóm Hợp Nhất, xã Tràng Xá mạnh dạn đầu tư trồng trên 3ha cây gấc lấy quả.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Hào cho biết: Toàn bộ diện tích này, tôi đã trồng bí xanh từ gần 10 năm trước. Khi đó, hiệu quả của loại cây trồng này còn đạt khá cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhu cầu tiêu dùng bí xanh của thị trường sụt giảm, trong khi diện tích trồng tăng mạnh khiến người trồng hầu như không có lãi. Trước thực trạng đó, tôi đã quyết định bỏ toàn bộ diện tích trồng bí xanh để chuyển sang trồng cây gấc.

Cũng theo anh Hào, trồng cây gấc không khó, kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng tương tự bí xanh và nhiều cây trồng phổ biến khác. Trong năm đầu tiên, sau khi làm mặt bằng, người trồng gấc cần đào hố rộng khoảng 1m2 với độ sâu khoảng 50cm, khoảng cách từ 3-4m để trồng cây đã ươm mầm từ hạt trước đó. Khi cây gấc lớn, người trồng thả giàn leo với chiều cao chừng 2m cho dây bò lan thì cây sẽ cho năng suất cao.

Cây gấc trồng nếu được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, sau khoảng 4 tháng sẽ ra quả và có thể cho thu hoạch đều đặn hằng năm, trong khoảng gần 20 năm mới phải trồng lại. Ở miền Bắc, thời gian trồng gấc hiệu quả nhất là quãng tháng 2-3 Dương lịch khi thời tiết ấm áp, độ ẩm đất và không khí cao.

Để tính thu lợi lâu dài, anh Hào đã đầu tư trên 300 triệu đồng làm toàn bộ giàn leo cho gấc bằng cột thép không gỉ và dây lưới thép bọc vỏ nhựa kết hợp với hệ thống tưới nước tự động. Với hệ thống giàn leo này, anh có thể sử dụng khoảng trên 15 năm mới phải thay thế một phần. Bên cạnh đó, anh Hào cũng tận dụng nguồn phân chuồng hữu cơ thu mua từ các hộ chăn nuôi ở địa phương để giảm chi phí sản xuất, đồng thời bảo đảm chất lượng quả gấc thành phẩm sau thu hoạch.

Với sự tính toán kỹ lưỡng và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, ngay năm đầu tiên trồng, vườn gấc của anh Hào đã cho thu hoạch với năng suất khá cao. Trung bình, mỗi gốc gấc của anh cho từ 20-30 quả và đạt tổng trọng lượng khoảng 40kg/gốc. Với tổng diện tích trên 3ha, năm 2021, anh Hào đã thu về gần 20 tấn quả với giá trị lợi nhuận đạt gần 80 triệu đồng.

Dự kiến, năm 2022 này, toàn bộ diện tích trồng gấc của anh sẽ cho thu hoạch với sản lượng cao hơn và có thể đạt tới 40 tấn quả, đồng thời cho lợi nhuận lên đến khoảng 180 triệu đồng. Chia sẻ với chúng tôi, anh Hào nói: Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến giá thu mua gấc năm 2021 sụt giảm tới hơn 40% so với những năm trước nhưng điều đáng mừng là diện tích trồng gấc vẫn đem lại lợi nhuận khá cho gia đình tôi.

Thời gian tới, khi cây gấc sinh trưởng ổn định, anh Hào dự định sẽ dành thời gian tìm kiếm thêm các đầu mối tiêu thụ để bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm, đồng thời hỗ trợ một số bà con địa phương có nhu cầu học tập mô hình trồng gấc của anh để triển khai nhân rộng.

Trong y học cổ truyền, gấc được coi là một dược liệu có thể điều trị một số bệnh như: Khô mắt, mờ mắt, đau răng, chấn thương tay chân… Với hàm lượng một số chất bổ cao, thực phẩm chế biến từ quả gấc được xem là liệu pháp hữu hiệu bổ sung vitamin A, phòng chống ung thư, thiếu máu, các bệnh về tim mạch, lão hóa… Bên cạnh đó, tinh dầu chiết xuất từ quả gấc được dùng khá phổ biến trong chế biến thực phẩm và mỹ phẩm.