Bảo vệ, phát triển “lá phổi” xứ trà

06:25, 13/02/2022

Khai Xuân, mở hội, cũng là lúc con dân đất Việt nhắc nhớ đến lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”. Theo thời gian, lời kêu gọi của Người được nhân lên rộng rãi, ngấm sâu vào tiềm thức, được trao truyền qua các thế hệ, trở thành một nét đẹp văn hóa chung trên khắp các vùng miền của cả nước. Người Thái Nguyên khắc ghi lời dạy của Người: “trồng cây nào, chắc cây ấy”, hướng đến một Thái Nguyên xanh, góp phần cùng cả nước làm nên một “Việt Nam xanh”.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, khai hội trồng cây năm Nhâm Dần 2022 không ồn ào, nhưng không vì thế mà mất đi một không khí tươi mới, háo hức. Từ thị thành đến các vùng nông thôn, miền núi, lòng người phấn chấn, nhắc nhớ nhau việc trồng cây, góp phần gìn giữ lá phổi xanh của nhân loại.

Đặc biệt, đây là năm thứ hai Thái Nguyên cùng cả nước triển khai thực hiện có hiệu quả thông điệp trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu “Vì một Việt Nam xanh”.

Vâng! Màu xanh của cây lá thể hiện một vùng đất thanh bình, không chiến tranh, không đói nghèo, không ô nhiễm. Nên giữa khung cảnh trời Xuân ấm áp, bước chân người trồng rừng hăm hở, phơi phới nghĩ đến một ngày mai màu xanh sẽ bao phủ hết diện tích đất trống, đồi núi trọc.

Qua những mùa Xuân, màu xanh của cây lá như tấm áo choàng trải rộng, bao phủ lên những miền đất trống. Theo kế hoạch trồng rừng năm 2022, toàn tỉnh trồng mới 3.700ha; hơn 1,7 triệu cây xanh phân tán (tương đương 1.705ha), chủ yếu là keo lai, quế, lim xanh… Riêng huyện Định Hóa có kế hoạch trồng mới 1.000ha rừng tập trung, trong đó 50% diện tích đất dành cho cây quế.

Rừng sản xuất 2 bên đường vào miền Sa Lung, xã Tân Long (Đồng Hỷ).

Theo Trưởng Ban kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng ATK Định Hóa, ông Nguyễn Đức Thắng: Hiện, trên địa bàn huyện có 22 vườn ươm cây giống lâm nghiệp, với số lượng hơn 5 triệu cây giống lâm nghiêp các loại. 100% hộ đầu tư xây dựng vườn ươm cây giống là hộ có kinh nghiệm, làm chủ khoa học - kỹ thuật, nên cây giống dâm ươm, xuất vườn đến tay hộ trồng rừng đều bảo đảm chất lượng.

Mới ra Tết, trời Thái Nguyên chìm trong màn mưa bụi, độ ẩm không khí cao, thời tiết rất thuận lợi cho việc trồng rừng mới. Theo các chuyên gia lâm nghiệp: Từ tháng 1 đến hết tháng 3 là thời điểm vàng cho việc trồng rừng. Cũng vì thế, từ những tháng cuối năm 2021, các địa phương, cơ quan chức năng đã có sự phối hợp tổ chức lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng rừng, qua đó các hộ trồng rừng được trang bị kỹ năng thiết kế vườn rừng, kỹ thuật đặt bầu cây, chăm sóc, bảo vệ rừng...

Cũng từ cuối năm trước, hộ trồng rừng chủ động phát dọn thực bì, vệ sinh nương bãi, cuốc hố bảo đảm quy cách và khoảng cách giữa các hố trồng cây.

Ông Trần Văn Quý, xóm Ao Trám, xã Động Đạt (Phú Lương), cho biết: Tôi đã nhiều năm làm vườn ươm cây giống, ngoài hơn 40 vạn bầu cây giống lâm nghiệp, còn có hơn 1 triệu hom chè: Kim Tuyên, Shan tuyết cung ứng cho bà con trong vùng mỗi năm. Nhiều hộ là đồng bào các dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn, tôi ứng trước cây giống, sau 1 năm mới lấy lại tiền vốn.

Ông Trần Văn Quý, xóm Ao Trám, xã Động Đạt (Phú Lương), chuẩn bị cây giống cung ứng cho người dân.

Hiện, trên địa bàn của tỉnh có gần 100 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp, với sản lượng hơn 26 triệu cây giống/năm, đủ đáp ứng nhu cầu trồng rừng. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp đã chủ động ươm dâm cây giống từ năm 2021, qua kiểm tra, đánh giá chất lượng cây giồng của cơ quan chức năng, 100% cây giống đảm bảo về chất lượng, đủ tiêu chuẩn xuất vườn theo đúng quy trình kỹ thuật…

Bên bãi đất đang chuẩn bị xuống bầu cây của gia đình bà Hoàng Thị Tùng, xóm Na Sàng, xã Phú Đô (Phú Lương), bà nói: Năm 2021, gia đình tôi trồng mới 7ha rừng keo lai; năm nay dự định trồng thêm 7ha rừng sản xuất, vẫn là giống keo lai do các chủ vườn ươm trong huyện cho ứng trồng trước, trả vốn giống sau. 

Theo số liệu thống kê của tỉnh: Thái Nguyên có tổng diện tích tự nhiên hơn 356.000ha, trong đó đất đồi núi chiếm gần 80%. Hiện, toàn tỉnh còn khoảng 40.000ha đất có khả năng sản xuất lâm nghiệp nhưng chưa được khai thác hiệu quả.

Còn nhớ năm trước, việc trồng cây khai Xuân, chủ yếu cây do các đồng chí lãnh đạo địa phương trồng, có nơi thực hiện giải pháp gắn mã số định danh cho cây, đồng nghĩa với việc người trồng cây phải tự có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trồng cây nào, chắc cây đó”.

Việc gắn mã số định danh, ví như ở khu rừng cách mạng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá (Võ Nhai), để gắn trách nhiệm với người trồng cây, lãnh đạo huyện giao trực tiếp cho các cơ quan, đơn vị đến trồng, cắm biển tên cơ quan, đơn vị và chủ động chăm sóc. Nhờ cách làm này, Di tích lịch sử cách mạng Khuôn Mánh có lại được màu xanh đại ngàn vốn có. Rồi như bao cây trồng bên các di tích lịch sử của tỉnh, do được chăm sóc, bảo vệ, cây lớn mãi cùng thời gian.

Trong bối cảnh cả nhân loại đang chung sống với biến đổi khí hậu; hiệu ứng nhà kính; ô nhiễm môi trường thì việc trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán nhân dân còn mang ý nghĩa giáo dục về đạo đức, nhân cách, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho mỗi công dân.

Vậy nên mỗi người trồng một cây, hoặc chung nhau trồng một cây, góp sức xây dựng nơi công sở, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu dân cư, đường phố và dọc bên các đường quê một màu xanh mang nét đẹp văn hóa, góp phân xây dựng đô thị xanh, Thái Nguyên xanh và “một Việt Nam xanh” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Tết trồng cây.