Tính đến cuối tháng 1, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 86.714 tỷ đồng, tăng 2,16% so với cuối năm 2021. Ước đến hết tháng 2 đạt 87.000 tỷ đồng, tăng 2,49%. Dư nợ cho vay đạt 73.322 tỷ đồng, tăng 2,55%; ước đến hết tháng 2 đạt 73.600 tỷ đồng, tăng 2,94%.
Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, tháng 1 năm nay có mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, nguyên nhân chủ yếu do một số ngân hàng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 phải chuyển sang giải ngân vào tháng 1-2022. Cùng với đó, do nền kinh tế đang dần có sự phục hồi nên ngày càng nhiều doanh nghiệp có nhu cầu về vốn.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động của một số ngân hàng cho thấy, trong khi dư nợ cho vay tăng khá tốt ở khối khách hàng doanh nghiệp thì khối khách hàng cá nhân lại có xu hướng chững lại, thậm chí có ngân hàng giảm đáng kể. Nguyên nhân là một bộ phận người dân phải thắt chặt chi tiêu do gặp khó khăn bởi dịch COVID-19.
Hiện lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định ở mức thấp. Cụ thể, huy động không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,2%/năm; từ 1 đến dưới 6 tháng là 3,3-3,5%/năm; từ 6 tháng trở lên là 4,2-6,9%/năm. Còn lãi suất cho vay bằng Việt Nam đồng đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm; cho vay sản xuất, kinh doanh thông thường từ 5-8%/năm kỳ ngắn hạn, từ 7,8-9,6%/năm kỳ trung và dài hạn.