Khôi phục thời “vàng son” của chè Quân Chu

10:28, 11/02/2022

Từng là vùng nguyên liệu chè trọng điểm của tỉnh, vì một số lý do, cây chè ở thị trấn Quân Chu (Đại Từ) dần mất đi vị thế. Thời gian gần đây, Quân Chu tập trung mạnh vào phát triển cây chè, với mong muốn tìm lại thời kỳ “vàng son” năm nào của loại cây trồng này.

Đồng chí Lê Chí Thanh, Bí thư Đảng ủy thị trấn Quân Chu cho biết: Cây chè bắt đầu bén rễ ở vùng đất Quân Chu từ năm 1966. Thời điểm này, bà con dân tộc nơi đây thực hiện chiến dịch khai hoang cải tạo những cánh rừng già thành đồi nương rồi đưa cây chè về trồng. Nhưng, thời điểm “rực rỡ” nhất của chè Quân Chu thì phải đến năm 1981, khi Nông trường và Nhà máy chè Quân Chu được sáp nhập, diện tích chè không ngừng được mở rộng. Cây chè không chỉ được trồng trên nương đồi, mà còn được bà con đưa xuống ruộng cạn.

Cùng với mở rộng diện tích, quá trình làm chè được bà con tích lũy kỹ thuật, kinh nghiệm dày dặn nên hương vị thơm ngon đặc trưng, tạo được vị thế trên thị trường.

Từ đây, các sản phẩm chè của Quân Chu được xuất đi nhiều nơi, đặc biệt là sản phẩm chè đen được xuất khẩu sang Liên Xô cũ và nhiều nước Đông Âu. Chè trở thành cây trồng chủ lực ở Quân Chu, với diện tích lên đến 480ha, sản lượng búp tươi đạt trên 1.000 tấn/năm, sản lượng chè đen xuất khẩu đạt 320 tấn/năm.

Thế rồi con em công nhân ở nông trường nhiều người thoát ly, số gắn bó với nghề sản xuất chè ít nên diện tích chè cũng dần bị phá bỏ để chuyển sang trồng keo và các loại cây trồng khác.

Thêm nữa, vì nhiều lý do, nhà máy chè cũng không còn sản xuất. Diện tích chè dần thu hẹp chỉ còn lại vẻn vẹn hơn 200ha. Sản phẩm chè cũng không được chăm chút, dần mất đi vị thế trên thương trường.

Vài năm gần đây, thị trấn thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, cây chè được quan tâm đầu tư phát triển. Đảng ủy thị trấn chỉ đạo đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất chè, tập trung cải tạo chè giống cũ giá trị thấp sang chè giống mới có năng suất, chất lượng cao.

Địa phương đã tích cực thu hút các nguồn lực đầu tư vào sản xuất chè theo hướng liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nông dân với với doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề. Đồng thời triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách khuyến khích, hỗ trợ vốn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả; quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh.

Hằng năm, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai việc trồng mới và trồng lại chè, riêng năm 2021, diện tích chè trồng mới, trồng lại, trồng thay thế được 5ha, vượt 1ha so với kế hoạch đề ra.

Tính từ năm 2015 đến năm 2020, thị trấn đã trồng mới và trồng lại được 61,48ha chè với các giống chủ yếu là: LDP1, Kim Tuyên, TRI 777… sản lượng chè bình quân đạt 2.263,4 tấn, vượt so với chỉ tiêu đề ra.

Đến nay, thị trấn có 229ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh là 218,1ha, sản lượng năm 2021 đạt 2.616 tấn. Cùng với mở rộng diện tích, nhiều kinh nghiệm và công nghệ trồng chè trước đây được áp dụng trở lại, như: “Ép xanh” (là cách mà người trồng chè dùng lá cây phủ lên mặt đất để giữ ẩm và tạo độ tơi xốp cho đất) và “tủ chè” (dùng nứa tép và các cành cây nhỏ, lau lách làm khung sàn, sau đó phủ lá và cỏ khô dày lên trên, nhằm bảo vệ chè khỏi thời tiết giá lạnh trong thời gian chè “ngủ đông”)…

Hằng năm, thị trấn tích cực tham gia Lễ hội Trà Đại Từ, người dân thị trấn từng đạt 1 giải Nhất và 2 giải Ba cuộc thi “Bàn tay vàng chế biến chè” do huyện Đại Từ tổ chức.

Anh Trương Đức Vinh, ở tổ 6, một trong những người làm chè có tiếng ở thị trấn, cho biết: Tôi là con em của công nhân Nông trường, gia đình làm chè nhiều năm, nhưng trước kia là làm theo cách thức nhận khoán vườn chè và Nông trường thu mua sản phẩm. Nhưng nay, sản phẩm làm ra phải tự tiêu thụ, vì thế cần phải đổi mới phương pháp làm và không ngừng nâng cao chất lượng để cạnh tranh. Thế nên trên diện tích 1ha chè của gia đình, tôi đã quy hoạch bài bản và áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật sản xuất chè an toàn. Cùng với đó, tôi đã đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm để chăm sóc chè.

Với tư duy và cách làm đó, gia đình anh Vinh là một trong số ít hộ ở địa phương sản xuất được chè Đông đặc sản phục vụ bán Tết Nguyên đán. Bình quân, gia đình anh thu hái 7 - 8 lứa chè/năm, mỗi lứa sao sấy được 3 tạ chè búp khô, giá bán từ 200.000 - 300.000 đồng/kg.

Hiện, thị trấn Quân Chu đã thành lập được 1 hợp tác xã trà, 2 làng nghề chè truyền thống, 2 tổ hợp tác sản xuất và chế biến chè theo quy trình VietGAP, với tổng diện tích 73.380m2. Nhằm lấy lại vị thế cây chè năm xưa, thị trấn đang tập trung chỉ đạo thâm canh và phát triển sản xuất chè theo quy trình VietGAP; tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất và thâm canh tăng năng suất, phát hiện sâu bệnh kịp thời, đôn đốc nhân dân thu hoạch; rà soát, kiểm tra các tiêu chí làm chè sạch, chè an toàn, xây dựng thương hiệu chè Quân Chu…