Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sự tác động của đại dịch COVID-19, nhưng khu vực kinh tế thuộc ngành Công Thương quản lý vẫn đạt được mức tăng trưởng khá, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm (2021-2025) về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bước vào năm 2021, đại dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, vậy nên khi ngành Công Thương đặt ra mục tiêu tăng trưởng so với năm 2020, nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo lắng làm sao để đạt được kết quả khả quan trong khi nhiều chuỗi sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn?
Điều này cũng là trăn trở của lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Sở Công Thương. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm và trong suốt cả năm 2021, Sở đã thực hiện nghiêm những chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; linh hoạt và chủ động triển khai những giải pháp sát với tình hình ở địa phương. Đó là tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh đưa ra những giải pháp linh hoạt trong thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Sở Công Thương cũng thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh, xây dựng mới các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại góp phần khuyến khích, hỗ trợ đầu tư và phát triển sản xuất (đặc biệt là các ngành nghề mới, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, sản xuất các sản phẩm mũi nhọn có tiềm năng, lợi thế của tỉnh).
Cụ thể, Sở Công Thương đã triển khai kế hoạch kết nối thị trường, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm quả na theo chỉ đạo của UBND tỉnh và đề nghị của UBND huyện Võ Nhai; tổ chức Khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản tiêu biểu tỉnh tại Trung tâm Thương mại GO! Thái Nguyên; xây dựng, triển khai thực hiện và hoàn thành 30 đề án khuyến công, với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng...
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng và nỗ lực phấn đấu của các cấp, ngành (trong đó có Sở Công Thương), sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kết thúc năm 2021, khu vực kinh tế thuộc ngành Công Thương quản lý vẫn đạt được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ.
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt trên 844 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2020, bằng 100,38% so với kế hoạch năm 2021 (KH năm); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 44.767,5 tỷ đồng, tăng 11,5%, bằng 101,7% KH năm; tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu năm 2021 ước đạt 28,85 tỷ USD, tăng 17,9%, bằng 102,4% KH năm…
Hoạt động sản xuất tại Công ty Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên.
Ngoài đạt được những kết quả như trên, năm qua, công tác quản lý nhà nước của ngành Công Thương cũng tạo được sự chuyển biến rõ rệt. Cụ thể, Ngành đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành các chương trình, đề án, phương án, kế hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, như: Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển thương mại tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025; Phương án phát triển Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2030...; hướng dẫn, giám sát, kiểm tra thực hiện các Quy hoạch phát triển Công nghiệp, Thương mại, Điện lực, mạng lưới kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng và Quy hoạch các loại khoáng sản...; triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án của Ngành năm 2021.
Những kết quả đạt được trong năm 2021 là tiền đề quan trọng để ngành Công Thương tiếp tục thực hiện các mục tiêu kế hoạch năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhằm thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ trong thời gian tới, ngành Công Thương đề ra các nhiều nhiệm vụ, giải pháp, như: Thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh, xây dựng mới các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp; phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, điện nông thôn, miền núi; hỗ trợ sản xuất hàng xuất khẩu; tiếp tục cải cách hành chính, đảm bảo công khai và giải quyết nhanh gọn các thủ tục liên quan đến cấp phép cho các nhà đầu tư; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo tiến độ các dự án, nhất là các dự án, công trình quan trọng của Ngành…