Kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng hàng hóa, đời sống hội viên (HV) được cải thiện, nâng cao. Đặc biệt, có 1 HV được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng ba; 1 HV được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019”; 2 tập thể, 26 HV tiêu biểu được UBND tỉnh; Hội Nông dân tỉnh tặng Bằng khen, Giấy khen. Bà Dương Thị Luyến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Bình tâm đắc khi nói với chúng tôi về kết quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” giai đoạn 2019-2021.
Nhiều nông dân Phú Bình gọi ông Nguyễn Hữu Hoàn ở xóm Bình Định (Kha Sơn) là HV tiền tỉ. Bởi từ nhiều năm gần đây, mô hình CA (chuồng, ao) của gia đình ông đạt thu nhập hàng tỉ đồng/năm. Ông mộc mạc nói: Năm 2021, lợn sinh sản và lợn thịt của gia đình xuất bán được 12 tỉ đồng; cá dưới ao kéo lưới bán được 800 triệu đồng. Trừ mọi khoản chi phí đầu tư còn lãi hơn 4 tỉ đồng. Là năm rồi do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, còn như năm 2020, gia đình tôi có lãi dòng 6,8 tỉ đồng.
Ông Hoàn là một trong những “tỉ phú chân đất” mới nổi ở Phú Bình. Cũng như ông, hầu hết các HV đều có điểm xuất phát về kinh tế khó khăn. Rồi sự nỗ lực vươn lên, sự đồng hành chia sẻ của tổ chức Hội Nông dân đã giúp nhiều gia đình HV trở thành hộ làm kinh tế giỏi.
Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, các nông hộ phải đối diện với nhiều rủi ro vì thiên tai, bệnh dịch, nhưng từ tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành về vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật và bản thân HV tự lực khắc phục khó khăn nên đã gặt hái được nhiều thành quả.
Để Phong trào phát triển rộng rãi, Hội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn tổ chức 615 buổi tuyên truyền về nội dung Phong trào, với hơn 42.000 lượt HV tham dự. Tổ chức hơn 600 buổi tập huấn về cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho hơn 62.300 lượt HV.
Ông Ngô Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân Huyện Phú Bình (ngoài cùng bên phải) chia sẻ với hội viên Hội Nông dân thị trấn Hương Sơn kinh nghiệm chăn nuôi gà bố mẹ.
Tại các xã: Tân Hoà, Kha Sơn, Nga My, Tân Khánh, Xuân Phương, Dương Thành, Bảo Lý có 260 HV được hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp.
Thông qua tổ chức hội, hàng nghìn lượt HV được Chi nhánh Vật tư, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cung ứng 3.400 tấn phân bón trả chậm, hơn 102 tấn giống cây trồng các loại.
Hội nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH; Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT cho gần 6.000 lượt HV vay vốn phát triển sản xuất, với tổng dư nợ đến nay là hơn 437 tỉ đồng.
Được trang bị khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ vốn vay kịp thời, HV được tiếp thêm nghị lực, phấn đấu vươn lên. Đặc biệt là từ Phong trào, nhiều HV ở cơ sở đã chủ động giúp nhau về vốn vay không lấy lãi.
Ông Dương Viết Phú, tổ 2, thị trấn Hương Sơn, chia sẻ: Nhờ sự quan tâm của Hội và các hội viên, gia đình tôi đã làm được ngôi nhà ở chắc chắn, trong đó có 400 triệu đồng do gia đình bà Dương Thị Hạnh, cùng ở thị trấn cho mượn.
Còn bà Hạnh khiêm tốn nói: Ít năm trước, gia đình tôi cũng thuộc hộ nghèo nên tôi thấu hiểu sự khó khăn, thậm chí là bất lực của hộ nghèo trong phát triển kinh tế. Vì muốn vượt lên, nhưng không có tiền vốn đầu tư thì chỉ biết ngồi nuôi mơ ước. Từ 5 năm gần đây, tôi đã cho hàng chục gia đình HV vay tiền đầu tư chăn nuôi gia cầm, làm nhà ở không lấy lãi. Hiện còn hơn 1,5 tỉ đồng tôi cho bà con vay, và đang sinh lời giúp hộ nghèo vươn lên.
Bà Hạnh là một trong những gia đình HV sản xuất, kinh doanh giỏi ở huyện. Từ mô hình chăn nuôi gà bố mẹ và ấp nở gà giống, với quy mô 28 lò ấp, công suất 15.000 trứng/lò. Sản lượng một năm ấp hơn 5 triệu quả trứng, cung ứng cho các trang trại trong, ngoài tỉnh hơn 4 triệu gà con/năm. Từ năm 2016 đến năm 2021, gia đình bà đạt thu nhập từ 2,5 đến 3 tỉ đồng/năm đã trừ các khoản chi phí.
Chuyện HV sản xuất, kinh doanh giỏi, bà Vũ Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Bình phấn chấn nói: Các mô hình sản xuất, kinh doanh của HV ngày càng đa dạng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như: Mô hình sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ của HV Vũ Quang Bách, Chi hội Tân Sơn (Xuân Phương), cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/khẩu/năm; mô hình chế biến, kinh doanh lâm sản của HV Đặng Văn Hồng, Chi hội Cầu Cong (Tân Khánh) cho thu nhập 114 triệu đồng/khẩu/năm; mô hình trang trại chăn nuôi gà thịt kết hợp trồng rừng của HV Nguyễn Đắc Phúc, Chi hội Bạch Thạch (Tân Kim) đạt thu nhập 120 triệu đồng/khẩu/năm; mô hình chăn nuôi vịt trên mặt sàn ao của HV Dương Văn Việt, Chi hội Nam Hương 2 (Thanh Ninh) đạt thu nhập 65 triệu đồng/khẩu/năm...
Phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo sự gắn bó chặt chẽ giữa HV với HV và HV với tổ chức Hội. Khẳng định Phong trào đã, đang thẩm thấu vào đời sống người dân, tạo cơ hội cho HV gần gũi, gắn bó, tương thân tương ái, hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Khuyến khích HV phát huy tinh thần làm chủ trong sản xuất, kinh doanh, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.