Chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn đang là chủ trương được huyện Phú Lương triển khai rộng khắp và nhận được sự hưởng ứng của nhiều chủ rừng. Đây được xác định là hướng đi mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho các hộ trồng rừng, đồng thời góp phần tích cực bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
2021 là năm đầu tiên huyện Phú Lương triển khai kế hoạch trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn. Với vai trò là cơ quan thường trực thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, ngay từ đầu năm, Hạt Kiểm lâm huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cơ chế chính sách và những hiệu quả khi phát triển rừng gỗ lớn với chu kỳ từ 10 năm trở lên đến các xã, thị trấn và các hộ trồng rừng. Qua đó, từng bước tác động làm thay đổi nhận thức của cán bộ, nhân dân về phương thức canh tác rừng sản xuất.
Chia sẻ về việc trồng rừng gỗ lớn, ông Hoàng Văn Chiến, xóm Làng Hin, xã Phấn Mễ, cho biết: Hiện, gia đình tôi có gần 20ha rừng sản xuất. Từ trước đến nay, toàn bộ diện tích rừng của gia đình chỉ trồng từ 5-6 năm rồi sẽ thu hoạch. Đầu năm 2021, được cán bộ kiểm lâm địa bàn tuyên truyền, khuyến khích, tôi đã mạnh dạn đăng ký trồng 5ha rừng gỗ lớn. Sau 1 năm trồng và chăm sóc, tôi nhận thấy cây keo phát triển tốt và nhanh hơn so với phương thức canh tác truyền thống, đạt độ cao trung bình trên 2 mét (gấp đôi so với trước), thân gỗ to. Nhận thấy hiệu quả, năm 2022, tôi tiếp tục đăng ký trồng 4ha rừng cây gỗ lớn.
Cũng là một trong những hộ tiên phong tham gia trồng cây gỗ lớn, sau 1 năm, diện tích keo của gia đình ông Hoàng Quốc Việt, xóm Na Dau, xã Phủ Lý sinh trưởng tốt với tỷ lệ cây sống đạt trên 90%. Bên cạnh những nổi trội về chất lượng cây trồng, theo tính toán của ông Việt, việc trồng rừng gỗ lớn còn giúp gia đình giảm kinh phí chăm sóc, công lao động. Bởi, nếu trồng rừng gỗ nhỏ, sau chu kỳ 5 năm, phải tái đầu tư cây giống, phân bón, công trồng và chăm sóc. Trong khi đó, đối với rừng gỗ lớn thì khoảng 10 năm trở lên mới khai thác và đầu tư trồng lại. Như vậy, đã tiết kiệm được 1 nửa chi phí sản xuất; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất.
Diện tích keo theo chương trình trồng rừng gỗ lớn của ông Hoàng Quốc Việt, xóm Na Dau, xã Phủ Lý (đứng giữa) đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Ngoài ra, lợi ích nổi bật hơn cả khi trồng hoặc chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn chính là hiệu quả kinh tế. Qua tham khảo giá thu mua nguyên liệu gỗ tại các cơ sở chế biến lâm sản thì hiện nay, gỗ keo có chu kỳ trồng từ 5-6 năm đang được bán với giá trung bình 60 triệu đồng/ha. Còn cây keo có chu kỳ 10 năm trở lên có giá trị trên 200 triệu đồng/ha.
Theo anh Nguyễn Quốc Khánh, chủ cơ sở chế biến lâm sản tại xóm Cây Khế, xã Yên Đổ: Cây keo gỗ nhỏ sau khi xẻ ra dễ bị cong vênh, nhiều rác, không tận dụng được hết hiệu năng. Ở Phú Lương, mặc dù diện tích rừng lớn nhưng đa phần là cây gỗ nhỏ nên những năm gần đây, tôi thường phải nhập gỗ lớn từ các tỉnh lân cận về chế biến. Tôi rất mong muốn có thể thu mua cây gỗ lớn ngay tại địa phương để tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ và giảm chi phí vận chuyển.
Nhận thức được những lợi ích và ưu điểm của rừng gỗ lớn, chỉ sau hơn 1 năm triển khai chương trình hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, từ tâm lý e dè, đắn đo, đến nay, ngày càng nhiều chủ rừng ở Phú Lương đã mạnh dạn tham gia. Nếu như năm 2021, toàn huyện có 81 hộ đăng ký trồng rừng gỗ lớn với tổng diện tích là 80ha, thì sang đầu năm 2022, đã có 158 hộ tham gia với diện tích đăng ký trên 100ha. Loại cây được đưa vào trồng rộng rãi trên địa bàn là keo tai tượng.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả tiềm năng, nguồn lợi từ rừng, phát triển vùng nguyên liệu chất lượng tốt phục vụ chế biến lâm sản, ông Nguyễn Đức Tú, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương thông tin: Đơn vị đã và đang tăng cường phối hợp với các cấp, ngành tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lâm nghiệp, cơ chế chính sách phát triển trồng và chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn; phân công cán bộ hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc rừng chuyển hóa; hỗ trợ tạo điều kiện cho các hộ trồng rừng, cơ sở chế biến lâm sản tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật và liên kết theo chuỗi giá trị… Từ nay đến năm 2025, huyện phấn đấu trồng được 500ha rừng gỗ lớn, chuyển hóa 1000ha rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững đạt 500ha.