Xuất khẩu hàng hóa: Nhiều cơ hội vượt qua thách thức

08:26, 25/02/2022

Bước sang năm 2022, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8%, trong đó, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 9%. Đây là chỉ tiêu cao so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhưng với sự quyết tâm và nhóm giải pháp linh hoạt được triển khai ngay, việc hoàn thành các mục tiêu này là khả quan.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế và đại diện một số ngành chức năng, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 vẫn chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhưng hiện nay, Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đã mở cửa lưu thông hàng hóa nên xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn năm trước.

Đặc biệt là nước ta đã triển khai đồng bộ và hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), các cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Cộng đồng kinh tế ASEAN nên hoạt động xuất khẩu của cả nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng có nhiều cơ hội để tăng trưởng.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh năm 2022 phấn đấu đạt trên 30,02 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2021; trong đó, xuất khẩu do địa phương quản lý đạt 631 triệu USD, tăng 11%.

Ngay trong tháng 1-2022, giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 2,805 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng trước nhưng vẫn tập trung ở khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tới 2,755 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh trong tháng 1-2022 là điện thoại thông minh, máy tính bảng và sản phẩm điện tử khác ước đạt 2,7 tỷ USD (chiếm 95,3% tổng giá trị xuất khẩu). Cùng đó là nhóm các mặt hàng xuất khẩu trong tháng 1 cũng tăng so với cùng kỳ, như: Sản phẩm may ước đạt 36 triệu USD, tăng 10,5%; sản phẩm kim loại màu và tinh quặng kim loại màu ước đạt 18,6 triệu USD, tăng 52,3% so với cùng kỳ.

Ông Trần Quang, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, cho biết: So với tháng 12-2021, kết quả xuất khẩu tháng 1 năm nay có tăng nhưng so với tháng 1-2021 lại giảm 7,2%. Song, với việc phổ cập tiêm vắc-xin phòng dịch COVID-19 trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới nên chắc chắn lưu thông hàng hóa trên toàn cầu sẽ thuận lợi hơn năm trước. Từ đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng sẽ mở rộng được thị trường truyền thống và tìm kiếm được các thị trường mới.

Tháng 1-2022, sản phẩm may xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt giá trị 30 triệu USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: T.L

Để đạt mục tiêu xuất khẩu, ngay từ đầu năm, tỉnh Thái Nguyên đã tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Và ngay đầu tháng này, tỉnh đã đón tin vui khi Tập đoàn Samsung quyết định đầu tư gần 1 tỷ USD vào Khu công nghiệp Yên Bình để mở rộng quy mô sản xuất và chắc chắn sẽ thúc đẩy xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng trong thời gian tới.

Tiếp đến là Công ty TNHH Phát triển Năng lượng Trina Solar ở Khu công nghiệp Yên Bình đã đi vào sản xuất ổn định và 3 tháng cuối năm 2021 đạt giá trị sản xuất gần 300 triệu USD.

Ông Chen Bao Dong, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Năng lượng Trina Solar, cho biết: Chính quyền tỉnh Thái Nguyên luôn hỗ trợ rất tích cực về thủ tục hành chính, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nên chúng tôi rất yên tâm sản xuất và sẽ chủ động nguồn hàng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu.Trong năm 2022, chúng tôi tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu sang Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Công ty TNHH Dongwha Việt Nam - thành viên của Tập đoàn Dongwha (Hàn Quốc) đã vận hành nhà máy sản xuất gỗ ép có tổng mức đầu tư 160 triệu USD, công suất khoảng 370.000m3 sản phẩm ván gỗ MDF/năm và 4 triệu m2 sàn gỗ công nghiệp/năm tại Khu công nghiệp Sông Công 2. Đây là nhà máy sản xuất gỗ theo quy trình công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản phẩm chủ yếu phục vụ xuất khẩu.

Ngoài ra, một số khu, cụm công nghiệp của tỉnh có nhà máy mới đi vào hoạt động, sản phẩm phục vụ xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ. Các doanh nghiệp xuất khẩu nhóm sản phẩm từ khai khoáng, luyện kim trên địa bàn tỉnh cũng đã mạnh dạn đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phảm để tăng số lượng xuất khẩu so với năm 2021.

Ông Trương Đình Việt, Giám đốc Công TNHH Phát triển nông thôn miền núi, cho biết: Sản phẩm Titan tinh chất của chúng tôi đã, đang được đối tác rất tin tưởng. Tuy sản lượng xuất khẩu thời gian trước chỉ đạt 60-80% so với năng lực sản xuất của doanh nghiệp nhưng tôi tin tưởng khi dịch COVID-19 được khống chế, kinh tế phục hồi thì nhu cầu nhập khẩu Titan tinh chất của các đối tác nước ngoài sẽ tăng cao. Song song với việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tỉnh Thái Nguyên đã, đang nỗ lực kiểm soát tốt dịch COVID-19, chủ động thiết lập “vùng xanh” an toàn. Từ đó hoạt động sản xuất, kinh doanh của tỉnh nói chung, hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp nói riêng sẽ ổn định, tăng trưởng.

Năm 2021, lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã xuất sắc vượt qua nhiều tỉnh, thành phố để vươn lên tốp đầu cả nước, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 29 tỷ USD. Đây là nền tảng quan trọng để giá trị xuất khẩu của tỉnh cán mốc 30,02 tỷ USD trong năm nay.