Bứt phá nhờ “chăn nuôi thông minh”

07:59, 13/03/2022

Mặc dù không được học các lớp chuyên sâu, bài bản về kỹ thuật điện, công nghệ số nhưng ông Phạm Văn Trường, ở xóm Tiến Bộ, xã Dương Thành (Phú Bình) đã không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng công nghệ trong quản lý, phát triển chăn nuôi. Qua đó, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí trong sản xuất con giống gia cầm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

Đến thăm cơ sở chăn nuôi, sản xuất con giống gia cầm của gia đình ông Phạm Văn Trường, chúng tôi thấy chuồng chăn nuôi rộng hàng nghìn m2 được xây dựng đồng bộ, khép kín với đầy đủ hệ thống quạt gió, hút mùi, điện chiếu sáng… Điều khiến chúng tôi bất ngờ chính là toàn bộ hệ thống này đều được ông Trường cài đặt, kết nối và điều khiển trên chiếc điện thoại thông minh mà không cần phải đến thao tác trực tiếp trên từng thiết bị.

Ông Trường chia sẻ: Năm 1990, sau khi học xong THPT, tôi tham gia quân ngũ, được biên chế vào đơn vị Quân chủng Phòng không không quân. Thực hiện nghĩa vụ với đất nước xong, tôi trở về địa phương và làm nhiều nghề để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhận thấy địa phương có lợi thế trong phát triển chăn nuôi gia cầm, tôi đã đi học nghề ấp, nở con giống gà, vịt. Ban đầu, việc ấp nở con giống chỉ mang tính thủ công (ấp trứng gà bằng thóc), quy mô nhỏ, hiệu quả kinh tế không cao. Do đó, tôi đã tìm hiểu và áp dụng biện pháp ấp, nở con giống bằng lò ấp hiện đại; kèm theo đó là các thiết bị đo nhiệt độ, độ ẩm, hệ thống điện chiếu sáng… Tuy nhiên, nếu để bật/tắt tất cả các thiết bị đó thì mất rất nhiều thời gian.

Với ý nghĩ "Làm thế nào không cần phải đến từng thiết bị điện để thao tác?", ông Trường đã tìm hiểu qua Internet và bạn bè cách kết nối toàn bộ các thiết bị điện, hệ thống lò ấp, nở trứng gia cầm trong trang trại với chiếc điện thoại thông minh để có thể điều khiển ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần có mạng wifi hoặc sóng 3G, 4G.

Ông bảo: Năm 2017, tôi đã kết nối thành công hàng trăm thiết bị điện, máy đo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng trong trang trại với chiếc điện thoại của mình. Nhờ đó, tôi đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong quy trình chăm sóc hàng vạn con gà mái đẻ; đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm chuồng chăn nuôi, nhiệt độ của 16 máy ấp, nở chính xác gần như tuyệt đối… Bên cạnh đó, tôi có thể cài đặt chế độ hẹn giờ cho các thiết bị đo nhiệt độ, ánh sáng để chúng tự động bật/tắt phù hợp với số ngày tuổi của gà.

Để kết nối đường truyền Internet luôn ổn định, không bị ngắt quãng, ông Trường đã “phủ” sóng wifi cho toàn bộ 5.000m2 trang trại của mình. Các phần mềm như đo cường độ ánh sáng, nhiệt độ… cũng được cài đặt trên điện thoại, có thể kiểm soát được thiết bị nào đang bật, thiết bị nào đã tắt; biết được nhiệt độ lò ấp trứng là bao nhiêu độ để điều chỉnh cho phù hợp…  Không chỉ kết nối hệ thống điện, đo nhiệt độ, độ ẩm… trong trang trại, ông Trường còn kết nối tất cả các thiết bị, đồ gia dụng trong gia đình với chiếc điện thoại của mình.

Ông chia sẻ: Vào mùa Đông, muốn có nước nóng trong nhà tắm mà không cần phải đợi, khi đi ra ngoài hay ở bên trang trại, tôi bật bình nóng lạnh thông qua điện thoại, khoảng 30 phút sau là có nước nóng để sử dụng mà không cần phải về để bật công tắc.

Với việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất và sinh hoạt, trung bình mỗi tháng, ông Trường tiết kiệm được khoảng 20% tiền điện; con giống ấp, nở đảm bảo chất lượng nhờ ánh sáng, nhiệt độ, thời gian phù hợp; tỷ lệ hao hụt thấp… Mỗi năm, ông xuất bán 100.000 con giống gà, vịt cho khách hàng trong và ngoài tỉnh, thu lãi từ 1-3 tỷ đồng.

Nói về ông Trường, đồng chí Nguyễn Văn Ái, Bí thư Đảng ủy xã Dương Thành, nhận xét: Ông Phạm Văn Trường không những là hộ chăn nuôi tiêu biểu nhiều năm nay trên địa bàn xã mà còn là người tiên phong, đi đầu trong việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, xứng đáng để các hộ chăn nuôi khác học tập, áp dụng.