Chủ động nguồn lực để phục hồi ngành “công nghiệp không khói”

09:39, 21/03/2022

Hơn hai năm “hoành hành”, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ảnh hưởng tới nguồn nhân lực của lĩnh vực này. Trước thời điểm du lịch Việt Nam mở cửa hoàn toàn, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã đề ra nhiều giải pháp, đảm bảo nguồn nhân lực để phục hồi.

Công ty TNHH Dũng Tân (T.P Sông Công) trước đây duy trì gần 200 nhân viên phục vụ khu du lịch nhưng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Công ty chỉ giữ lại 40 nhân viên duy trì hoạt động, bảo dưỡng thiết bị, cảnh quan. Số nhân viên còn lại, Công ty bố trí việc làm tại các mảng hoạt động khác.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dũng Tân chia sẻ: Dù khó khăn nhưng chúng tôi quyết tâm giữ lại toàn bộ nhân viên, đồng thời bố trí công việc phù hợp để bảo đảm thu nhập. Chính vì vậy, khi du lịch phục hồi, chúng tôi vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Còn bà Lê Thị Nga, Quản lý Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải thông tin: Chúng tôi có lợi thế là hầu hết thành viên sinh sống trong Khu bảo tồn đều tham gia ít nhiều vào mảng dịch vụ du lịch. Khi có khách, cả người cao tuổi, các cháu học sinh đều có thể là hướng dẫn viên, hỗ trợ du khách đến lưu trú, trải nghiệm văn hóa truyền thống của người dân tộc Tày. Bên cạnh đó, lực lượng lao động chính của Thái Hải tham gia sản xuất nông nghiệp, phục vụ đời sống nhưng cũng là lực lượng lao động có kinh nghiệm lâu năm làm du lịch chuyên nghiệp. Vì vậy, ngay thời điểm hiện tại, Thái Hải đủ năng lực đón cả nghìn du khách đến trải nghiệm cùng một thời điểm.

Đối với Công ty CP Khách sạn du lịch công đoàn Hồ Núi Cốc, theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty: Về nhân sự, trong thời điểm không có khách du lịch, Công ty đã chuyển công việc của các nhân viên du lịch cốt cán sang làm việc trực tuyến để giữ chân họ. Với những nhân viên khác, có thời điểm Công ty phải cho nghỉ không lương tới gần 200 người. Tuy nhiên, hiện tại khi được mở cửa du lịch, những nhân viên này đều sẵn sàng quay trở lại làm việc và Công ty đang lên phương án sắp xếp lại đội ngũ. Hiện, chúng tôi vẫn đảm bảo tốt dịch vụ khách sạn tiêu chuẩn 3 sao với gần 300 phòng nghỉ đảm bảo chất lượng, chuyên nghiệp.

Tương tự các doanh nghiệp kể trên, hơn100 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã chủ động đề ra nhiều giải pháp để bù đắp nguồn nhân lực đảm bảo khai thác tối đa các dịch vụ phục vụ du khách.

"Để du lịch phục hồi nhanh chóng, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ở lĩnh vực này. Nhân sự là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng dịch vụ du lịch nên công tác đào tạo phải bài bản và cần có sự hỗ trợ của các cấp, ngành thì mới bảo đảm chất lượng tốt.” - Ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đồng chí Lê Ngọc Linh cho biết: Sở sẽ thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực du lịch. Trước mắt, Sở phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp để tổ chức rà soát lại lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch bị biến động do ảnh hưởng của dịch COVID-19; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó, các lớp tập huấn du lịch cộng đồng sẽ được triển khai trước tiên…