Chuyện về lão nông “nhạy” và “bén”

07:31, 08/03/2022

Sinh ra và lớn lên ở nông thôn nên tư tưởng trồng cây nào, nuôi con gì để phát triển kinh tế luôn là nỗi niềm đau đáu trong ông. Chính vì vậy, ông đã không ngừng tìm hiểu thị trường, nắm bắt kiến thức mới để phát triển diện tích trồng cây ăn quả của gia đình. Sau nhiều năm, đến nay, gia đình ông đã có 3ha đất trồng các loại cây ăn quả, với thu nhập mỗi năm đạt gần 1 tỷ đồng. Người mà chúng tôi nói đến là ông Vũ Ngọc Nhân, sinh năm 1949, ở xóm Toàn Thắng 1, xã Đồng Liên (T.P Thái Nguyên).

Đến thăm gia đình ông Nhân, chúng tôi bị choáng ngợp bởi khu vườn rộng ngút tầm mắt nhưng được bố trí khoa học, ngay hàng thẳng lối. Toàn bộ khu vườn với đủ các loại cây ăn quả (xoài, mít, ổi, táo, nhãn…) được quy hoạch gọn gàng, cây cối phát triển xanh tốt. Đặc biệt, khu vườn của gia đình được ông Nhân quy hoạch để cho thu quả quanh năm. Sau vụ táo, ổi, thời điểm này, gia đình ông chuẩn bị thu hái hồng xiêm, mít Thái rồi lại sẵn sàng cho vụ nhãn, vải…

Nói về quá trình phát triển vườn cây ăn quả, ông Nhân chia sẻ: Năm 1971, sau khi lập gia đình, tôi được bố mẹ cho hơn 2.000m2 đất ở, đất vườn và 6 sào ruộng. Sau nhiều năm làm ruộng theo lối truyền thống nhưng hiệu quả kinh tế không cao, tôi có suy nghĩ chuyển sang trồng cây ăn quả. Thời điểm đó, toàn bộ 6 sào ruộng của gia đình, tôi đổi với các hộ dân có đất bên cạnh, đồng thời mua thêm các diện tích khác xung quanh để mở rộng quy mô trồng trọt.

Có đất vườn rộng, loại cây đầu tiên được ông Nhân trồng là giống vải Lục Ngạn. Năm 1992, sau khi về Bắc Giang, thấy cây vải cho hiệu quả kinh tế, ông Nhân đã dành 3.000m2 đất để trồng vải. Sau 3 năm, ông tiếp tục trồng thêm gần 1.000m2 cây nhãn. Thời điểm đó, quả nhãn, vải chưa được người dân ở khu vực xung quanh trồng nhiều nên khi cây cho thu hoạch, gia đình ông bán rất thuận lợi với giá cao, từ 20-25 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, chỉ sau đó một thời gian, người dân phát triển ồ ạt thì quả vải, nhãn lại rớt giá. Lúc này, ông Nhân đã "thắt ruột" phá bỏ toàn bộ diện tích nhãn, vải chuyển sang trồng táo với quy mô 1.000 gốc, sau đó tiếp tục trồng thêm các loại cây bưởi, hồng xiêm…

Nói về lý do trồng nhiều loại cây ăn quả, ông Nhân bộc bạch: Sau thời điểm phá bỏ nhãn, vải, tôi thấy tiếc nên sau đó đã trồng lại. Bởi lẽ, vườn của mình rộng, muốn có thu nhập quanh năm thì mùa nào phải có trái nấy để bán. Riêng với cây bưởi, do chọn được giống bưởi ngon (bưởi Diễn, Phúc Trạch, Đoan Hùng), dễ bán nên tôi ưu tiên trồng nhiều so với một số loại cây khác. Hiện nay, với 600 gốc bưởi, đã có 3/4 diện tích cho thu hoạch với sản lượng mỗi vụ khoảng 3 vạn quả, tôi thu về khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra, các loại cây ăn quả khác như táo, hồng xiêm, mít… thu quanh năm cũng cho thu nhập thêm khoảng 500-600 triệu đồng.

Khi được hỏi về bí quyết để chăm sóc vườn cây ăn quả luôn sinh trưởng, phát triển tốt, ông Nhân mộc mạc: Làm nhiều cũng sẽ thành quen. Trồng và chăm sóc cây ăn quả phải chú ý nhất là sâu bệnh và phân bón. Về sâu bệnh, mỗi loại cây lại có bệnh khác nhau theo từng thời điểm. Ví dụ như cây táo, vào thời điểm tháng 6-7 hay xuất hiện sâu đục thân thì phải rạch cây theo đường sâu đục để bắt sâu non, sau đó dùng thuốc trừ bôi vào chỗ sâu đục. Nếu không kịp thời phòng trừ, cây sẽ sinh trưởng chậm, dần dà sẽ bị chết. Còn về phân bón, gia đình tôi chỉ sử dụng phân chuồng ủ mục, cụ thể là phân gà để chăm sóc cây ăn quả, tuyệt đối không dùng phân bón hóa học. Do vậy, chất lượng quả rất ngon, vị ngọt, đậm. Toàn bộ diện tích cây ăn quả của gia đình tôi đều đã được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ 2 năm nay. Hiện nay, gia đình đang cung ứng sản phẩm cho một số siêu thị trên địa bàn tỉnh và có các thương lái về vườn trực tiếp thu mua.

Nói về mô hình trồng cây ăn quả của ông Nhân, ông Nguyễn Văn Hữu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Liên, đánh giá: Khu vườn của gia đình ông Nhân là mô hình điểm về trồng cây ăn quả theo quy trình VietGAP của xã. Cá nhân ông Nhân đã nhiều năm liền được nhận bằng khen, giấy khen hội viên nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi của Trung ương, tỉnh, thành phố. Ông cũng luôn luôn tạo điều kiện, hỗ trợ, giúp đỡ về khoa học - kỹ thuật, tập huấn quy trình chăm sóc cây ăn quả cho các hội viên nông dân trên địa bàn. Đây là tấm gương sáng tiêu biểu trong phát triển kinh tế của địa phương, xứng đáng được tuyên dương, học hỏi.