Những năm qua, để nguồn vốn nguồn vốn vay tín dụng chính sách đến với đúng đối tượng trên địa bàn T.P Thái Nguyên và phát huy hiệu quả, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác làm tốt công tác tuyên truyền, rà soát, thẩm định. Từ đó, nhiều hộ dân đã được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Năm 2021, ông Đỗ Văn Minh, ở xóm Phú, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) được vay 50 triệu đồng từ Chương trình tín dụng giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH tỉnh để mua thêm quất cảnh về trồng. Bằng kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, vườn quất gần 1.000 gốc của gia đình ông luôn phát triển tốt. Dịp Tết vừa qua, gia đình ông Minh bán quất cảnh thu được gần 350 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí, ông thu lãi 200 triệu đồng.
Ông Minh chia sẻ: Gia đình tôi trồng quất đã hơn 10 năm nay. Để có quất bán vào dịp Tết năm sau thì tôi phải đặt mua quất giống từ năm trước về trồng, chăm sóc. Ngặt nỗi những lúc nhập cây gia đình lại không đủ vốn nên nhiều lần đã bỏ lỡ cơ hội mở rộng sản xuất. Khi được vay vốn từ Ngân hàng CSXH với lãi suất thấp (0,68%/năm), tôi đã chủ động hơn trong việc làm ăn. Hiện nay, dù chỉ qua Tết 1 tháng, gia đình tôi đã chuyển gần 600 gốc quất giống về vườn để trồng phục vụ thị trường dịp Tết năm sau.
Cũng nhờ có nguồn vốn vay giải quyết việc làm nên ông Lương Hữu Hải, ở xóm Mới, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) có thêm điều kiện trồng mới diện tích chè của gia đình. Ông Hải cho biết: Năm nay là năm thứ 2 tôi vay vốn của Ngân hàng CSXH. Để nguồn vốn được sử dụng hiệu quả, ngay sau khi được giải ngân, gia đình tôi đã thuê máy xúc san gạt diện tích đất đồi, mua cây giống về trồng thêm 2 sào chè cành. Ngoài ra, tôi mua thêm phân bón để cải tạo 5 sào chè sẵn có. Nhờ được chăm sóc tốt nên diện tích chè của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất, chất lượng vì thế cũng tăng lên đáng kể. 2 sào chè trồng mới của gia đình cũng đang phát triển tốt, dự kiến năm sau bắt đầu cho thu hái lứa đầu tiên.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, để đảm bảo nguồn vốn tín dụng đến với đúng đối tượng và phát huy hiệu quả, ngoài việc tư vấn, cung cấp những thông tin cần thiết cho các hộ vay vốn tại 25 điểm giao dịch trên địa bàn T.P Thái Nguyên, Ngân hàng CSXH tỉnh còn phân công cán bộ tín dụng phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác trực tiếp kiểm tra việc sử dụng vốn vay, phương thức đầu tư sản xuất, kinh doanh của các hộ dân; hướng dẫn các hộ tiếp cận với những mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, Ngân hàng thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, sử dụng vốn vay theo từng quý và cả năm; kiện toàn tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) phù hợp với điều kiện thực tiễn, góp phần cho vay đúng đối tượng, không để xảy ra tình trạng vay sai mục đích làm phát sinh nợ xấu. Hiện nay, trên địa bàn T.P Thái Nguyên có 252 tổ TK&VV đang hoạt động tại 401 thôn, xóm, với 98,8% được đánh giá hoạt động tốt.
Ông Phạm Duy Chinh, Tổ trưởng tổ TK&VV xóm Nhà Thờ, xã Phúc Xuân cho hay: Tổ hiện có 10 thành viên, với dư nợ hơn 400 triệu đồng. Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, khi người dân đăng ký vay, chúng tôi tổ chức họp tổ để bình xét, lập danh sách và hướng dẫn làm các thủ tục vay. Sau khi giải ngân cho người dân, Tổ TK&VV thường xuyên kiểm tra, giám sát xem việc sử dụng vốn vay có đúng mục đích hay không. Nếu trường hợp nào sử dụng không đúng mục đích nguồn vốn vay, chúng tôi sẽ báo cáo với Ngân hàng để thu hồi.
Theo số liệu thống kê, hiện nay, tổng dư nợ từ Ngân hàng CSXH tỉnh trên địa bàn T.P Thái Nguyên là trên 198 tỷ đồng, với hơn 6.000 hộ được vay vốn với các chương trình tín dụng: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động,…
Ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh thông tin: Thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành, nhất là các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trên địa bàn tỉnh nói chung, T.P Thái Nguyên nói riêng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách để người dân hiểu và thực hiện đúng chính sách, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích. Đồng thời tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp trên để chỉ đạo 32 xã, phường trên địa bàn thành phố thực hiện tốt việc rà soát hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách nhằm cho vay đúng đối tượng và đáp ứng được nhu cầu vốn vay trên địa bàn, góp phần vào Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo năm 2022 và các năm tiếp theo…