Kiểm soát chặt thị trường hàng thiết yếu

09:41, 05/03/2022

Tình hình dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, nhu cầu mua bán các loại vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch của người dân tăng mạnh. Nhằm đảm bảo chất lượng, bình ổn giá hàng hóa, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã và đang tăng cường các giải pháp, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phòng, chống dịch.

Do tâm lý lo lắng, thời gian qua, nhiều người dân đổ xô đi mua các loại thuốc, vật tư y tế phòng dịch như: Khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, bộ test nhanh COVID-19… Đây chính là cơ hội “béo bở” cho một số đối tượng lợi dụng để kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Theo đại diện Cục QLTT tỉnh, các đối tượng này thường phân lẻ sản phẩm, trà trộn vào các loại hàng hợp pháp để vận chuyển và giao dịch thông qua mạng xã hội. Hoạt động giao, nhận hàng cũng diễn ra ở những nơi thưa vắng người khiến lực lượng chức năng rất khó phát hiện, hoặc nếu phát hiện được thì mức xử lý cũng không nặng do số lượng hàng hóa vi phạm không nhiều.

Để đảm bảo các mặt hàng có chất lượng được lưu thông trên thị trường, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch. Đặc biệt là kit test nhanh, các sản phẩm thuốc điều trị COVID-19 chưa được cấp phép lưu hành, không rõ nguồn gốc xuất xứ… Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến về giá của các mặt hàng này, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá…

Ngoài ra, tổ công tác về thương mại điện tử của đơn vị cũng được thành lập, thường xuyên theo dõi các nền tảng mạng xã hội, các website giao dịch thương mại điện tử, phối hợp với các cơ quan chức năng chủ động ngăn ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời khi có dấu hiệu vi phạm.

Chỉ trong thời gian ngắn, từ ngày 25-2 đến nay, lực lượng QLTT trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 11 trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính, trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy gần 400 triệu đồng, gồm gần 2.700 bộ kit test COVID-19 cùng nhiều thuốc điều trị, phòng ngừa không rõ nguồn gốc.

Gần đây nhất, ngày 2-3, Đoàn kiểm tra thuộc Đội QLTT số 5 đã tổ chức khám phương tiện vận tải BKS 20A-50387 do ông L.Đ.H, trú tại xóm Phố Dầu, xã Tiên Hội (Đại Từ), là lái xe kiêm chủ hàng. Khám thùng xe, Đoàn kiểm tra phát hiện có 1 thùng carton chứa 280 bộ kit test COVID-19 có xuất xứ nước ngoài. Quá trình làm việc, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hoá theo quy định. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt 10 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa có trị giá 15,2 triệu đồng.

Chiều cùng ngày, Đội QLTT số 5 tiếp tục phát hiện, xử lý trường hợp ông Đ.V.H, trú tại phường Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) khi đang dừng đỗ, bán hàng tại khu vực thuộc xóm Đoàn Kết, xã Trung Hội (Định Hoá). Toàn bộ hàng hóa trên xe gồm 200 bộ kit test không có hóa đơn, chứng từ cũng đã bị thu giữ, tiêu hủy.

Trước đó, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh do lực lượng QLTT chủ trì đã phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh) lập biên bản về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và đề xuất xử phạt 12 triệu đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa có trị giá 30 triệu đồng đối với lô hàng 600 bộ kit test nhanh COVID-19, nhãn hiệu Labnovation của bà L.T.T.H. Số hàng này được phát hiện khi đang được vận chuyển đi tiêu thụ tại tổ 12, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên). Bà H khai nhận, số hàng hoá trên được mua trôi nổi từ Hà Nội về với mục đích bán kiếm lời.

Liên tiếp các vụ việc được phát hiện cho thấy tính chất phức tạp của thị trường hàng hóa thiết yếu phòng dịch. Ông Chu Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, cho biết: Dự đoán tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, thời gian tới, lực lượng QLTT tiếp tục tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, cơ quan truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân hiểu rõ tác hại của buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, không tiếp tay cho vi phạm.

Đồng thời, bám sát địa bàn, thường xuyên dự báo tình hình nhằm phát hiện nhanh các hành vi, thủ đoạn gian lận thương mại mới phát sinh để tổ chức đấu tranh, đối phó kịp thời. Qua đó, bảo vệ quyền, lợi ích của người sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật và người tiêu dùng. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân hãy lựa chọn mua hàng tại các cơ sở kinh doanh có địa chỉ tin cậy; tiêu dùng các hàng hóa đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc điều trị, phòng ngừa COVID-19 theo sự tư vấn của các cá nhân, tổ chức không có chuyên môn…